14 nguyên tắc thành công - Nguyên tắc 13


NGUYÊN TẮC 13: BIẾT ƯU TIÊN LÀM NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
alt
Năm 1970, trong cuốn sách The Unheavenly City (Thành phố không bình yên), Tiến sĩ Edward Banfield, chuyên gia xã hội học của trường đại học Harvard đã đưa ra nghiên cứu sâu sắc nhất về sự thành công. Mục đích của Banfield là tìm ra nguyên nhân tại sao nhiều người lại bị phụ thuộc về kinh tế trong cuộc sống. Thoạt đầu, ông vẫn nghĩ rằng câu trả lời cho vấn đề này nằm ở các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, trí thông minh, các mối quan hệ quan trọng hoặc các yếu tố cụ thể khác. Nhưng cuối cùng ông đã phát hiện ra lý do chính làm nên thành công của một người là một thái độ của người đó.


Banfield gọi thái độ này là “Nhận thức chiến lược.” Theo ông, những người thành công nhất và có khả năng cải thiện tình trạng tài chính của mình nhất là những người quyết định dựa trên các suy tính cho tương lai. Ông phát hiện ra rằng một người càng suy nghĩ nhiều cho tương lai càng có khả năng đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp.

Ví dụ, một trong những nguyên nhân khiến ông bác sĩ gia đình của bạn trở thành một trong những người được kính trọng nhất nước Mỹ là vì ông ta đã học tập và làm việc vất vả trong suốt nhiều năm liền để có được giấy phép hành nghề. Sau khi học đại học, trải qua quá trình thực tập, huấn luyện, phải đến hơn 30 tuổi các bác sĩ mới có thể có thu nhập ổn định. Nhưng từ lúc đó trở đi, họ trở thành những người được tôn trọng và thành công nhất trong sự nghiệp tại Mỹ. Vì họ có tư tưởng chiến lược.

Chìa khoá thành công trong việc đặt ưu tiên là có tầm nhìn chiến lược. Bạn có thể đánh giá mức độ quan trọng của một việc nào đó ở thời điểm hiện tại bằng cách xem xét mức độ ảnh hưởng của nó với bạn trong tương lai.

Nếu bạn trở về nhà sau giờ làm và đùa nghịch với lũ trẻ hay dành thời gian cho vợ/chồng bạn thay vì xem TV hoặc đọc báo thì bạn đang có một tầm nhìn chiến lược. Vì Bạn biết dành thời gian chăm sóc sức khoẻ và hạnh phúc cho vợ/chồng, con cái bạn là cách sử dụng thời gian khôn ngoan.

Nếu bạn tham dự một khoá học thêm buổi tối để rèn luyện các kỹ năng, để được sếp đánh giá cao hơn thì nghĩa là bạn đã có tầm nhìn chiến lược. Rèn luyện một kỹ năng thực tế và hữu ích có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp của bạn.

Từ quan trọng phải nhớ khi bạn đặt ưu tiên là hi sinh.  Khi đặt ưu tiên, bạn phải hi sinh những thú vui hiện tại để có được hạnh phúc trong tương lai. Nghĩa là bạn phải bỏ những thú vui trước mắt để sau này bạn sẽ có hạnh phúc lớn lao và lâu dài hơn.

Các nhà kinh tế học cho rằng thiếu khả năng hạn chế chi tiêu, nghĩa là khả năng kiềm chế bản năng chi tiêu nhiều hơn những gì kiếm được và sở thích muốn làm những việc thú vị, và nhàn hạ là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong đời sống riêng tư và tài chính của mỗi người. Còn nghiêm khắc với mình, bất chấp khó khăn để làm những việc quan trọng và đúng đắn chính là con đường dẫn đến sự kính trọng, giá trị và sự hài lòng với bản thân.

Như vậy là đặt ưu tiên bắt đầu bằng việc xác định xem điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, sau đó sắp xếp để luôn tận dụng thời gian làm những việc hướng tới mục tiêu của mình.

Nếu có những ưu tiên dài hạn thì bạn sẽ rất dễ xác định ưu tiên ngắn hạn của mình là gì.

Bạn có thể nói rằng quá trình đặt những ưu tiên ngắn hạn bắt đầu bằng một cây bút và một tờ giấy. Mỗi khi bạn thấy mình có quá nhiều việc phải làm và một quỹ thời gian eo hẹp, bạn hãy ngồi xuống, hít sâu và liệt kê những bạn phải hoàn thành. Mặc dù chúng ta không đủ thời gian để làm tất cả mọi thứ, chúng ta luôn đủ thời gian để làm những việc quan trọng và theo đuổi những công việc đó cho tới khi bạn đạt được mục tiêu.

Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Peter Drucker đã từng nói, “Hiệu suất công việc nghĩa là làm tốt mọi việc nhưng làm việc hiệu quả nghĩa là làm những điều đúng đắn.” Và để làm được như vậy cần phải suy ngẫm nhiều.

Sau khi đã liệt kê những nhiệm vụ cần làm, hãy tự hỏi mình: “Nếu tôi phải xa nhà trong vòng một tháng và chỉ có thể hoàn thành một việc trong danh sách thì tôi sẽ làm việc gì?” Hãy suy nghĩ và đánh dấu việc bạn muốn làm. Sau đó lại hỏi, “Nếu tôi được làm một việc trước khi phải xa nhà một tháng, tôi sẽ làm điều gì?” Rồi bạn đánh dấu việc thứ hai trong bản danh sách.

Hãy thực hành như vậy 5 hoặc 6 lần cho tới khi bạn đã xác định được danh sách những việc ưu tiên. Sau đó hãy đánh số theo thứ tự mức độ quan trọng. Với danh sách này, bạn đã sẵn sàng để đạt đến mục tiêu của mình.

Một phương pháp khá thông dụng nữa để đặt ưu tiên sau khi xác định danh sách những mục tiêu chính của bạn. Đó là phương pháp đánh chữ A, B, C, D, E. Bạn hãy viết những chữ cái này ở lề trái trước mỗi việc trong danh sách. Chữ A nghĩa là rất quan trọng, cần phải làm, nếu không hậu quả sẽ nghiêm trọng.

Chữ B nghĩa là những việc quan trọng, nên làm nhưng không quan trọng bằng những việc đánh chữ A, và hậu quả không đáng kể nếu không hoàn thành.

Chữ C nghĩa là những việc làm được thì tốt nhưng không quan trọng như việc A và B và nếu không hoàn thành thì cũng không có hậu quả gì nghiêm trọng.

Chữ D nghĩa là những việc sẽ giao cho người khác làm thay thế mình.

Chữ E là những việc sẽ bỏ qua khi có cơ hội. Khi bạn sử dụng phương pháp A B C D E, bạn sẽ rất dễ xác định việc gì là quan trọng, việc gì không quan trọng. Điều này giúp bạn tập trung thời gian và sức lực vào những việc cần làm trong danh sách của bạn.

Một khi bạn đã xác định được một hay hai việc bạn phải ưu tiên thực hiện, hãy tập trung toàn bộ tâm trí để hoàn thành những việc đó.

Rất nhiều mệt mỏi con người gặp phải trong cuộc sống và công việc là vì những việc không quan trọng. Và điều đáng ngạc nhiên là khi bạn tập trung vào những việc quan trọng thì những mệt mỏi sẽ tan biến. Bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Khi bạn làm việc vì những mục tiêu quan trọng bạn sẽ thấy hài lòng và tự hào về bản thân mình hơn. Bạn sẽ có cảm giác làm chủ bản thân, bình tĩnh, tự tin và đầy năng lực.

Dưới đây là 6 điều bạn có thể áp dụng hàng ngày để đặt ưu tiên và giúp bạn làm việc với khả năng tốt nhất của mình:

1. Hãy dành thời gian xác định mục đích của bạn, để chắc chắn rằng những việc bạn ưu tiên làm sẽ phù hợp với những mục tiêu đó. Hãy nhớ rằng có nhiều người cố gắng để đạt được thành công nhưng khi đã đạt được rồi mới nhận ra rằng mình đã chọn con đường sai lầm.

2. Phát triển tầm nhìn chiến lược và theo đuổi những việc của hiện tại mà sẽ ảnh hưởng tích cực đến tương lai của bạn. Hãy cân bằng cuộc sống của mình bằng cách đặt ưu tiên cho những vấn đề như sức khoẻ, các mối quan hệ riêng tư và các mục tiêu tài chính.

3. Hãy nỗ lực để cải thiện các mặt quan trọng trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn là nhân viên bán hàng, hãy học cách trở thành người bán hàng giỏi. Nếu bạn là cha/mẹ, hay học cách làm cha/mẹ cho tốt. Sức mạnh thuộc về những người có kiến thức thực tế.

4. Hãy chắc chắn rằng bạn hoàn thành công việc tốt ngay từ đầu. Bạn càng hạn chế mắc lỗi thì càng mất ít thời gian để quay lại sửa chữa sai lầm.

5. Hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là thời gian bạn tiêu tốn nói chung mà là khoảng thời gian bạn làm những việc bạn ưu tiên. Bạn sẽ được đền bù vì những gì đạt được chứ không phải cho thời gian bạn tiêu tốn.

6. Hãy hiểu rằng điều quan trọng nhất trong đặt ưu tiên là khả năng lựa chọn khôn ngoan. Bạn luôn được tự do quyết định làm việc này hay việc kia. Bạn có thể chọn làm những việc có nhiều ý nghĩa hoặc việc có ít ý nghĩa hơn, nhưng một khi bạn đã chọn, bạn phải chấp nhận hậu quả từ sự lựa chọn đó.

Hãy xác định ngay từ ngày hôm nay những ưu tiên trong các lĩnh vực cuộc sống của bạn. Và hãy ưu tiên những việc đem lại cho bạn sức khoẻ, hạnh phúc và sự phát triển trong dài hạn. Thời gian trôi qua rất nhanh và những gì bạn phải hi sinh ngày hôm nay sẽ được đền bù xứng đáng bằng tương lai tươi sáng của bạn.

Lược dịch từ Principles of Success theo bwportal.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét