8. Mười bảy sự khác biệt


8. Mười bảy sự khác biệt

PHẦN IISUY NGHĨ THỊNH VƯỢNG

Mười bảy sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động
của người giàu so với người nghèo và trung lưu
Trong Phần I cuốn sách chúng ta đã thảo luận về Quá trình Tiến triển.
“Quá trình Tiến triển” là: tư duy sinh ra cảm xúc, cảm xúc chi phối hành động và hành động tạo ra kết quả. Tất cả đều bắt đầu từ những ý nghĩ được tạo ra trong trí óc chúng ta. Thật kỳ diệu rằng trí não ta gần như là yếu tố nền tảng của cuộc sống, vậy mà cho tới bây giờ, đa số chúng ta vẫn hầu như không hề biết bộ máy quan trọng này hoạt động thế nào? Vậy chúng ta bắt đầu quan sát thử xem nó hoạt động ra sao.
Nói một cách hình tượng, bộ óc của bạn không gì khác hơn là một chiếc tủ hồ sơ thật lớn, tương tự những chiếc tủ hồ sơ mà bạn thấy ở văn phòng hay trong nhà bạn vậy. Tất cả thông tin đến bạn được ghi nhãn và xếp theo các xấp hồ sơ vào đó sao cho có thể dễ dàng tìm kiếm và lấy ra khi cần thiết để giúp bạn sống sót. Bạn có nghe rõ không? Tôi không nói để phát triển, tôi nói để sống sót.
Trong mọi trường hợp, bạn luôn tìm đến các ngăn lưu trữ thông tin trong trí óc mình là để tìm cách phản ứng. Ví dụ, khi bạn đang cân nhắc để xử lý một cơ hội tài chính. Bạn sẽ tự động tìm đến tập hồ sơ có nhãn “tiền bạc” và từ đó quyết định làm gì. Những ý tưởng duy nhất bạn có thể có về tiền bạc là những gì bạn đã lưu trữ trong ngăn hồ sơ tiền bạc của bạn. Đó là tất cả những gì bạn có thể nghĩ về tiền bạc, bởi vì tất cả những gì thuộc phạm trù “tiền” bạc tồn tại trong bộ óc bạn cho đến lúc này đều được giữ ở đó.
Bạn sẽ quyết định dựa trên những điều mà bạn tin là hợp lẽ, có thể lý giải được và phù hợp với bạn tới thời điểm đó. Bạn quyết định theo bạn nghĩ là một sự lựa chọn đúng. Tuy nhiên, đôi khi sự “lựa chọn đúng đắn” đó của bạn có vẻ như không phải là một lựa chọn thành công. Thậm chí, những gì tưởng chừng là chân giá trị mà bạn tuyệt đối tin tưởng lại có thể liên tục đưa lại những kết quả vô cùng thảm hại.
Ví dụ, giả sử vợ tôi đang trong phòng này, để dễ cho tôi hình dung. Cô ấy nhìn thấy cái túi xách màu xanh này. Nó đang được bán giảm giá 25 %. Cô ấy sẽ lập tức tìm đến hồ sơ trong trí óc mình với câu hỏi “tôi có nên mua cái túi này?” Trong vòng một phần tỷ giây, trí óc của cô ấy đưa ra câu trả lời: “Bạn đang tìm mua túi màu xanh để dùng với đôi giầy xanh bạn mua tuần trước. Thêm nữa, đây đúng là cỡ của bạn. Hãy mua nó!” Trong khi vội vã đi ra quầy tính tiền, trí óc cô ấy không chỉ thì thầm rằng cô đang sắp có cái túi đẹp ấy mà còn hân hoan với niềm tự hào rằng cô mua nó với giá giảm 25 phần trăm.
Đối với trí óc cô ấy, việc mua bán này hoàn toàn hợp lý. Cô muốn nó, cô tin rằng cô cần nó, và đó là cơ hội mua rẻ!. Tuy nhiên, không bao giờ trí óc cô ấy lại đưa ra ý nghĩ, “ Đúng, đây là cái túi đẹp, và đúng đây là cơ hội tốt, nhưng hiện nay tôi đang nợ ba nghìn đôla, vậy nên tốt hơn là tôi ngừng mua nó lại đã.”
Cô ấy đã không tìm ra những thông tin này bởi vì không có bộ hồ sơ nào trong đầu cô chứa điều đó. Bộ hồ sơ “Khi bạn đang nợ nần, đừng mua bất cứ cái gì nữa” chưa bao giờ được cài đặt trong đầu cô và nó không tồn tại, có nghĩa là khả năng lựa chọn đó không phải một phương án để cân nhắc.
Bạn có nắm được suy luận của tôi? Nếu bạn chỉ tìm thấy trong tủ tài liệu của mình những bộ hồ sơ không phục vụ cho thành công tài chính của bạn, chúng vẫn sẽ là những lựa chọn duy nhất bạn có thể làm. Chúng sẽ là lựa chọn rất tự nhiên, tự động và hoàn toàn hợp lý đối với bạn. Nhưng rốt cuộc, chúng sẽ vẫn đem lại sự thất bại tài chính hoặc ít nhất là sự hoang phí. Ngược lại, nếu bạn có trong trí óc những hồ sơ củng cố, tăng cường cho thành công tài chính, rất tự nhiên và hoàn toàn tự động bạn sẽ đưa ra quyết định mang lại thành công. Bạn thậm chí không phải nghĩ về điều đó. Cách nghĩ tự nhiên của bạn sẽ kết trái trong thành công, giống như Donald Trump vậy. Cách nghĩ thông thường của ông ấy sinh ra thịnh vượng.
Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền, sẽ thật là tuyệt vời nếu bạn có thể suy nghĩ y hệt như người giàu? Tôi hy vọng bạn sẽ nói “tất nhiên” hoặc điều gì đó tương tự.
Vâng, bạn có thể!
Như chúng ta đã khẳng định ở phần trên, bước đầu tiên trong bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải là sự nhận thức, có nghĩa là bước đầu tiên để suy nghĩ theo cách của người giàu là bạn phải biết người giàu suy nghĩ như thế nào.
Người giàu suy nghĩ rất khác với người nghèo và giới trung lưu. Họ nghĩ khác về tiền bạc, sự thịnh vượng, về bản thân họ, về người khác, và hầu như trong mỗi phương diện của cuộc sống.
Trong Phần II cuốn sách này chúng ta sẽ cùng xem xét lại một số sự khác biệt đó, và như một phần của việc tái định hình suy nghĩ của bạn, chúng ta sẽ cài đặt mười bảy bộ hồ sơ thịnh vượng theo chọn lựa vào trong trí óc bạn. Cùng với những bộ hồ sơ mới là những sự lựa chọn mới. Nhờ đó bạn có thể nhận ra khi nào bạn đang suy nghĩ như người nghèo và như người trung lưu để một cách có ý thức chuyển sang và tập trung suy nghĩ như người giàu.
Hãy nhớ rằng, bạn có thể chọn những cách suy nghĩ sao cho bạn được ủng hộ, tiếp sức để đến hạnh phúc và thành công thay vì theo cách không như thế.
Qui tắc Thịnh vượng số 10:
Bạn có thể chọn những cách suy nghĩ sao cho bạn được ủng hộ, tiếp sức để đến hạnh phúc và thành công thay vì theo cách không như thế.
Vài điều trước khi bắt đầu. Trước hết, trong mọi cách hiểu, trường hợp, tình huống tôi không có ý định hạ thấp gía trị của người nghèo hay không thông cảm với hoàn cảnh của họ. Tôi không tin rằng người giàu tốt hơn người nghèo. Họ chỉ giàu hơn thôi. Đồng thời, tôi muốn chắc chắn các bạn hiểu một thông điệp, rằng tôi sẽ trình bày những khác biệt tự nhiên giữa người giàu và người nghèo theo tính thái cực tượng trưng có thể được.
Thứ hai, khi bàn luận về người giàu, người nghèo và những người thuộc tầng lớp trung lưu, tôi chỉ muốn đề cập đến các đặc tính tâm lý của họ, nghĩa là về cách suy nghĩ và hành xử khác nhau thế nào của họ, chứ tôi không có ý đánh giá số tiền thật sự mà họ có, hay vai trò của họ trong xã hội.
Thứ ba, tôi hiểu rằng không phải tất cả người giàu cũng như tất cả người nghèo, đều giống như cách tôi mô tả. Tuy nhiên, mục đích của tôi là làm sao chắc chắn bạn hiểu được từng suy nghĩ, những qui tắc và sử dụng chúng.
Thứ tư, trong phần lớn trường hợp, tôi sẽ không đề cập đến tầng lớp trung lưu một cách cụ thể, bởi vì ở những người thuộc tầng lớp trung lưu thường có sự pha trộn giữa trạng thái tâm lý của người giàu và người nghèo. Một lần nữa, mục đích của tôi là giúp bạn nhận thức về vị trí tương ứng của mình trong góc độ đó, qua đó giúp bạn suy nghĩ theo cách của người giàu nhiều hơn, nếu bạn muốn trở nên giàu có.
Thứ năm, nhiều nguyên tắc ở đây liên quan đến các thói quen và hành động nhiều hơn là các cách suy nghĩ. Nhưng bạn đừng quên rằng hành động của chúng ta bắt nguồn từ cảm xúc, mà cảm xúc bắt nguồn từ suy nghĩ. Kết quả là mọi hành động vì thịnh vượng sẽ chỉ xuất phát từ những cách suy nghĩ thịnh vượng.
Cuối cùng, tôi khuyên các bạn chấp nhận từ bỏ khái niệm sự đúng đắn! Điều tôi muốn nói là các bạn đồng ý từ bỏ việc làm theo cách của bạn. Tại sao? Bởi vì cách của bạn đã dẫn bạn đến tình trạng của bạn hiện nay. Nếu bạn vẫn muốn nó như thế, hãy vẫn cứ làm theo cách của bạn. Nếu bạn vẫn chưa giàu có, không sao, có thể đây là lúc bạn cân nhắc một cách sống khác, nhất là cách đó đến từ những người rất rất giàu có và nó đã giúp hàng nghìn người khác cùng bước lên con đường thịnh vượng. Điều đó là tùy thuộc vào bạn.
Những giải pháp mà bạn sẽ học rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Chúng làm nên những thay đổi thực sự với những con người thực trong thế giới thực này. Làm sao tôi biết? Tại công ty tôi, Công ty Đào tạo Tiềm năng Đỉnh cao, chúng tôi nhận được hàng nghìn lá thư và thư điện tử hàng năm nói cho chúng tôi về việc từng qui tắc thịnh vượng đã thay đổi cuộc sống của mọi người như thế nào. Nếu bạn học được và sử dụng chúng, tôi chắc chắn rằng chúng sẽ thay đổi cả cuộc sống của bạn.
Ở phần cuối mỗi phân đoạn bạn sẽ gặp một lời tuyên bố và một số hành động cụ thể để neo chúng vào cơ thể và cuộc sống của bạn.
Bạn cũng sẽ tìm thấy danh sách những hành động cần làm để giúp bạn hấp thụ những qui tắc thịnh vượng đó. Một điều quan trọng là bạn phải đưa từng qui tắc vào cuộc sống của bạn càng nhanh càng tốt sao cho những kiến thức có thể chuyển sang dạng năng lượng vật chất, vào từng tế bào và tạo nên những thay đổi liên tục và bền vững.
Đa số mọi người đều hiểu rằng chúng ta là những tạo hóa của thói quen, nhưng không mấy ai nhận ra rằng luôn tồn tại hai loại thói quen đối lập nhau: thói quen thực hiện và thói quen không thực hiện. Tất cả những việc bạn không làm ngay bây giờ nói lên rằng, bạn đang ở trong tình trạng thói quen không thực hiện đấy. Cách duy nhất để thay đổi thói quen không thực hiện thành thói quen thực hiện là… thực hiện ngay những công việc đó. Đọc sách sẽ hỗ trợ bạn, nhưng khoảng cách giữa đọc sách và thực hiện là cả một thế giới khác biệt. Nếu bạn thật sự nghiêm túc đối với vấn đề thành công của mình, hãy chứng tỏ điều đó, và thực hiện những hành động được đề ra.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét