9.1. Suy nghĩ Triệu Phú số 10


9.1. Suy nghĩ Triệu Phú số 10

Người giàu rất biết đón nhận
Người nghèo không biết đón nhận
Nếu phải nêu ra lý do số một làm cho phần lớn mọi người không đạt được hoàn toàn tiềm năng tài chính của họ, thì đó sẽ là điều này: phần lớn mọi người là những người không biết đón nhận. Họ có thể giỏi hoặc không giỏi trong việc cho đi, nhưng họ hoàn toàn kém cỏi trong việc đón nhận. Và vì họ không biết đón nhận, họ không được đón nhận!
Mọi người thấy khó khăn trong việc đón nhận vì một số lý do. Đầu tiên, nhiều người cảm thấy tự mình không xứng đáng hay không có giá trị. Hội chứng này rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Tôi đoán rằng có tới hơn 90% cá nhân có cảm giác mình không giỏi lắm.
Suy nghĩ tự ti đó xuất phát từ đâu? Thông thường là từ trong tâm thức. Đối với đa số chúng ta thì suy nghĩ đó xuất phát từ việc phải nghe hai mươi câu “Không!” cho mười câu “Được!”, mười câu “Bạn làm sai rồi!” cho mỗi câu “Bạn làm đúng!”, và năm câu “Sao bạn kém thế!” cho một câu “Bạn giỏi thế!”
Cho dù cha mẹ hay người đỡ đầu luôn hết lòng giúp đỡ, nhưng nhiều người trong số chúng ta vẫn thường có cảm giác không đủ khả năng để có thể liên tục đáp ứng được những gửi gắm và kỳ vọng của họ. Thế nên lần nữa chúng ta lại thấy mình chưa đủ giỏi.
Bên cạnh đó, rất nhiều người lớn lên trong yếu tố trừng phạt vốn có từ lâu trong cuộc sống của chúng ta. Đó là luật không viết thành văn, đơn giản cho rằng nếu bạn làm sai điều gì, bạn sẽ đáng bị phạt. Một số trong chúng ta từng bị phạt bởi cha mẹ mình, một số thì là thầy cô… và một số trong chúng ta trong một tổ chức, một tôn giáo nào đó bị đe dọa bởi đủ mọi kiếu trừng phạt, kể cả không được lên thiên đàng.
Tất nhiên, khi chúng ta đã lớn, tất cả đã qua. Có đúng thế không? Sai! Với phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu đến nỗi nếu không có ai xung quanh để trừng phạt họ khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Lúc nhỏ, hình thức phạt có thể chỉ là: “Con hư quá, con sẽ không được ăn kẹo”. Hôm nay sự việc này có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá nên sẽ không có tiền”. Điều đó giải thích tại sao một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại sao một số khác một cách vô thức tự phá hoại thành công của mình.
Không gì ngạc nhiên nhiều người gặp khó khăn trong việc đón nhận. Một lỗi nhỏ xíu và bạn bị kết tội phải chịu gánh nặng khổ sở và cả đời nghèo khó. Bạn nói: “Khắt khe quá” ư? Từ khi nào trí óc ta lại trở nên hợp lý và trắc ẩn thế? Thực ra, tâm trí đã được định hình của họ có một ngăn hồ sơ chứa đầy những sự việc cũ xưa trong quá khứ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và thảm họa. Sự “có lý” không có ở đó.
Đây là điều tôi dạy trong các khóa học có thể làm các bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trên thực tế, việc bạn cảm thấy xứng đáng hay không không thành vấn đề, kiểu nào thì bạn vẫn có thể giàu lên. Rất nhiều người giàu không cảm thấy hoàn toàn xứng đáng. Thật ra, một trong những động lực chính thúc đẩy người ta làm giàu là vì họ muốn chứng tỏ bản thân và giá trị của họ cho họ và cho người khác. Ý tưởng rằng gía trị bản thân là cần thiết cho việc có giá trị tài sản chỉ là …một ý tưởng.
Như đã nói, việc làm giàu chỉ để chứng tỏ giá trị bản thân có thể không làm bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, nên tốt hơn cả là bạn hãy làm giàu vì những lý do khác. Chỉ có điều quan trọng bạn cần nhận ra rằng cảm giác không xứng đáng của bạn sẽ không ngăn cản bạn hướng đến việc làm giàu. Dựa trên một quan điểm khắt khe về tiền bạc thì việc này có thể thật sự là một động cơ thúc đẩy rất hiệu quả.
Nói như vậy, tôi muốn bạn hiểu điều tôi sẽ chia sẻ với các bạn bây giờ, rõ ràng và mạch lạc. Đây có thể dễ dàng là một trong những thời điểm quan trọng trong đời bạn. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nó đây.
Hãy để ý rằng dù bạn có xứng đáng hay không thì đó cũng chỉ là câu chuyện của bạn nghĩ ra. Không điều gì có ý nghĩa, ngoại trừ cái ý nghĩa mà chúng ta gán cho nó. Tôi không biết ý bạn ra sao, nhưng tôi chưa từng nghe nói về bất kỳ ai phải chịu “đánh dấu” lúc mới sinh ra. Liệu bạn có thể hình dung Chúa đóng dấu trên trán từng người khi họ ra đời? “Xứng đáng”, hay “Không xứng đáng”, “Xứng đáng”, “Xứng đáng”, “Không xứng đáng!” Ối, nhất định “Không xứng đáng!” Xin lỗi, tôi không nghĩ mọi thứ hoạt động theo cách đó! Không có ai đi vòng quanh và đóng dấu bạn “Xứng đáng” hay “Không xứng đáng” cả! Chỉ có chính bạn đang làm điều đó. Bạn mới là người quyết định mình “xứng đáng” hay “không xứng đáng”. Mọi việc chỉ đơn giản là quan điểm của bạn. Nếu bạn nói bạn xứng đáng, bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn không xứng đáng. Bao giờ bạn cũng sống đúng theo ý của bạn. Điều này cực kỳ đặc thù, tôi sẽ nhắc lại: bạn sẽ sống đúng theo câu chuyện của bạn. Đơn giản vậy thôi.
Qui tắc Thịnh vượng số 22:
Nếu bạn nói bạn xứng đáng, bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn không xứng đáng. Bao giờ bạn cũng sống đúng theo ý của bạn.
Vậy tại sao người ta lại tự làm điều đó với mình? Tại sao mọi người lại nghĩ ra câu chuyện rằng họ không xứng đáng? Đó chỉ là bản chất tự nhiên của trí óc con người, là do “hệ miễn dịch tinh thần” của chúng ta luôn luôn cố tìm kiếm những gì không ổn. Bạn có để ý, một con sóc không bao giờ lo lắng về những điều như thế? Bạn có thể hình dung một con sóc nói: “Năm nay tôi sẽ không thu nhặt và để dành quả khô nhiều như mọi năm để chuẩn bị cho mùa đông nữa, vì tôi không xứng đáng làm vậy?” Tôi nghi ngờ, bởi vì những tạo hóa có độ thông minh thấp không bao giờ làm thế với bản thân chúng. Chỉ những sinh vật tiến hóa nhất hành tinh là con người chúng ta mới có khả năng tự giới hạn bản thân như thế.
Một câu nói của chính tôi lá: “Nếu một cây sồi cao 30 mét có bộ óc của con người, nó sẽ chỉ tự phát triển đến độ cao 3m!” Vậy nên tôi đề nghị: vì sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu thay đổi câu chuyện của bạn hơn là thay đổi giá trị xứng đáng của bạn, thay vì lo lắng thay đổi giá trị của bạn, hãy thay đổi câu chuyện của bạn. Cách đó nhanh và rẻ hơn nhiều. Đơn giản là hãy nghĩ ra một câu chuyện khác tích cực và hỗ trợ bạn hơn và sống theo nó.
Qui tắc Thịnh vượng số 23:
“Nếu một cây sồi cao 30m có bộ óc của con người thì nó sẽ chỉ tự phát triển đến chiều cao 3m!” – T.Harv Eker
Sau đây là một thủ tục đặc biệt, vậy nên tôi sẽ hỏi bạn để loại trừ mọi sự sao nhãng hiện nay. Hãy ngừng nhai, nói chuyện điện thoại, và ngừng mọi việc bạn đang làm. Đàn ông, nếu muốn, bạn có thể thay áo vét và cà vạt. Phụ nữ, bộ đồ ra ngoài buổi tối là rất tốt. Và nếu các bạn không có đồ gì có vẻ đẳng cấp hay đủ mới, đây có thể là cơ hội để bạn đi mua cho mình bộ lễ phục mới hoàn toàn, hàng hiệu càng tốt.
Nếu bạn đã sẵn sàng, chúng ta hãy bắt đầu. Đề nghị hãy quì xuống một bên gối và trân trọng nâng đầu bạn. Sẵn sàng, bắt đầu. “BẰNG NĂNG LƯỢNG TẠO RA TRONG TÔI, TÔI CHÍNH THỨC TUYÊN BỐ BẠN LÀ NGƯỜI XỨNG ĐÁNG, TỪ NAY TRỞ ĐI VÀ ĐẾN MÃI VỀ SAU!”
Tốt, chúng ta đã xong. Bây giờ bạn có thể đứng lên và ngẩng cao đầu bởi vì cuối cùng bạn đã xứng đáng. Đây là vài lời khuyên của hiền triết: hãy ngừng tin vào cái “xứng đáng” và “không xứng đáng” vớ vẩn đó, và hãy bắt đầu những hành động bạn cần làm để trở nên giàu có!
Lý do chính thứ hai phần lớn mọi người có vấn đề với việc đón nhận là họ tin vào câu châm ngôn: “Cho tốt hơn là nhận”. Tôi xin nói một cách lịch sự nhất có thể về điều đó là: “Thật là sáo rỗng!” Câu châm ngôn đó hoàn toàn gượng gạo, và trong trường hợp bạn không để ý thì nó thường được tuyên truyền bởi những người và nhóm người muốn bạn cho còn họ thì nhận.
Toàn bộ ý tưởng đó thật lố bịch. Cái gì là tốt hơn đây, nóng hay lạnh, to hay nhỏ, trong hay ngoài? Cho và nhận là hai mặt của cùng một đồng xu. Bất kỳ ai quyết định rằng cho đi tốt hơn nhận được đều đơn giản là rất kém môn toán. Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận luôn phải có một người cho.
Qui tắc Thịnh vượng số 24:
Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận luôn phải có một người cho.
Hãy nghĩ về điều đó! Làm sao bạn có thể cho nếu không có ai hoặc cái gì sẽ nhận? Cả hai đều phải nằm trong sự cân bằng tuyệt vời để làm việc theo tương quan một-một, năm mươi-năm mươi. Và vì việc cho và nhận bao giờ cũng phải bằng nhau, chúng cũng bắt buộc phải bằng nhau về mức độ quan trọng.
Ngoài ra, cảm nhận khi cho như thế nào? Phần lớn chúng ta sẽ đồng ý rằng cảm giác cho đi thật tuyệt vời và tràn đầy. Tiếp theo, cảm nhận sẽ thế nào khi bạn muốn cho nhưng người khác không sẵn sàng nhận? Phần lớn chúng ta sẽ đồng ý rằng đó là cảm giác rất tệ hại. Vì bạn biết, nếu bạn không sẵn sàng để nhận, tức là bạn đang bóc lột những người đang muốn cho bạn.
Bạn thực ra đang phủ nhận niềm vui và dễ chịu của họ sẽ đến từ việc cho đi; thay vào đó, họ cảm thấy tệ hại. Tại sao? Lại lần nữa, tất cả đều là năng lượng, và khi bạn muốn cho nhưng không thể, năng lượng đó không thể thoát ra và bị kẹt trong bạn. Sự tắc nghẽn năng lượng đó sẽ làm nó trở thành năng lượng tiêu cực, sinh ra cảm xúc tiêu cực.
Sự thể càng tệ hại hơn khi bạn không sẵn sàng để hoàn toàn đón nhận, khi đó bạn đang rèn luyện vũ trụ để nó không cho bạn! Nó rất đơn giản: nếu bạn không sẵn sàng để nhận phần của mình, phần đó sẽ đến với ai đó sẵn sàng nhận. Đó là một trong các lý do người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn. Không phải bởi vì họ xứng đáng hơn, mà là bởi vì họ luôn sẵn sàng để đón nhận khi phần lớn người nghèo thì không.
Tôi đã học được bài học này một cách rất ngẫu nhiên khi tôi đi cắm trại một mình trong rừng. Khi chuẩn bị cho hai ngày tạm trú tôi đã làm một việc gọi là ngộ ra. Điều đó có nghĩa buộc phần trên nóc lều vào cái cây và rồi buộc đáy lều vào nền đất để tạo ra mái lều bốn mươi lăm độ trên đầu khi tôi ngủ. May sao tôi đã chuẩn bị căn lều nhỏ đó bởi vì trời đã mưa suốt đêm. Khi tôi ra khỏi lều sáng hôm sau, tôi thấy mình và mọi thứ trong lều rất khô ráo.Trong khi đó, tôi ngạc nhiên nhận thấy một vũng sâu tích tụ cạnh đáy lều. Thình lình tôi nghe thấy giọng nói bên trong nói với tôi: “Tự nhiên rất phong phú nhưng không phân biệt. Khi mưa rơi, nó phải rơi đi đâu đó. Nếu một phần khô, phần kia sẽ ướt gấp đôi”. Khi tôi đứng đó bên trên cái vũng nước ấy, tôi bỗng nhận ra đó cũng chính xác là cách đồng tiền hoạt động. Có rất nhiều, rất nhiều tiền xung quanh, hàng tỷ tỷ đôla đang trôi nổi xung quanh, đó là sự phong phú dồi dào vô tận, và nó phải đi đến đâu đó. Cơ hội ở đây là: nếu một ai đó không sẵn sàng để nhận phần mình, nó sẽ phải đi đến với bất kỳ ai khác đang sẵn sàng. Cơn mưa không quan tâm ai nhận nó, và tiền bạc cũng vậy.
Đến điểm này trong các khóa Millionaire Mind tôi dạy mọi người câu cầu nguyện đặc biệt tôi tạo ra sau kinh nghiệm của tôi dưới căn lều. Tất nhiên, nó hơi khó phát âm, nhưng bài học rất hiển nhiên. Nó như sau: “Vũ trụ, nếu bất kỳ ai có điều gì đó tuyệt vời sẽ đến và họ không sẵn sàng để đón nhận nó, hãy gửi nó cho tôi! Tôi mở lòng và sẵn sàng để nhận tất cả mọi ban phúc của Ngài! Cảm ơn”. Tôi có cả khán phòng nhắc lại cùng tôi câu đó và họ phát điên lên! Họ rất phấn khích bởi cảm giác thật tuyệt vời khi hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận, và đó là cảm giác tốt bởi vì nó hoàn toàn tự nhiên. Mọi thứ bạn làm ngược lại sẽ chỉ là câu chuyện không phục vụ gì cho ai cả. Hãy để cho câu chuyện của bạn ra đi, còn tiền bạc của bạn thì trở lại.
Người giàu làm việc chăm chỉ và tin tưởng rằng họ hoàn toàn xứng đáng được tưởng thưởng vì các nỗ lực của mình, cũng như giá trị mà họ đem lại cho người khác. Người nghèo làm việc vất vả, nhưng vì những cảm giác không xứng đáng làm họ tin rằng họ không phải là người thích hợp để nhận sự tưởng thưởng, bất kể những nỗ lực và giá trị mà họ đã cho đi. Niềm tin này biến họ thành nạn nhân, và như vậy thì làm sao bạn có thể là một nạn nhân “tốt”, nếu bạn được tưởng thưởng hậu hĩnh?
Nhiều người nghèo thật sự tin rằng họ là người tốt hơn bởi vì họ nghèo. Không hiểu sao họ lại tin rằng mình hiếu thảo hơn, sống tình cảm hơn hay chỉ đơn giản là tốt hơn những người giàu có. Thật là ảo giác vớ vẩn! Cái duy nhất người nghèo có nhiều hơn, đó là nghèo túng! Có lần một người đàn ông tham dự khóa học đi đến gặp tôi trong nước mắt. Ông ta nói: “Tôi thật không hiểu. Làm sao tôi có thể cảm thấy hài lòng khi tôi thì có nhiều tiền, còn người khác lại có quá ít”. Tôi hỏi ông ta một số câu đơn giản: “Ông có thể làm gì cho những người nghèo bằng cách trở thành một người trong số họ? Ông giúp đỡ được ai bằng cách làm cho bản thân trở nên túng quẫn? Có phải ông sẽ làm thêm một miệng ăn phải nuôi? Chẳng lẽ việc làm giàu cho bản thân để rồi có thể thật sự giúp đỡ người khác từ vị thế của một người có tiềm lực thay vì yểm thế lại không tốt hơn sao?”.
Người đàn ông ngừng khóc và thốt lên: “Lần đầu tiên tôi hiểu ra. Tôi không thể tin được là mình lại suy nghĩ vớ vẩn đến như thế. Harv, khi giàu có hơn, tôi sẽ có thể giúp đỡ những người khác. Cảm ơn ông.” Ông ta trở về chỗ mình như một người khác hẳn. Gần đây tôi nhận được email từ ông nói cho tôi biết ông đã có thu nhập gấp mười lần trước kia và ông cảm thấy tự hào về điều đó. Ngoài ra, ông nói, ông cảm thấy thật tự hào khi mình có thể giúp một số bạn bè, gia đình khi họ khó khăn.
Chuyện này đưa ta tới một điểm quan trọng: nếu bạn có điều kiện để có rất nhiều tiền, hãy có nó. Tại sao? Bởi vì sự thực là chúng ta thật là may mắn khi được sống trong xã hội này, trong đó mỗi người thực tế là giàu có so với nhiều người ở các phần khác của thế giới. Một số người thậm chí chẳng có cơ hội để có tiền. Nếu bạn đã là một trong số người may mắn có khả năng đó, và dù các bạn có đọc hay không những cuốn sách như thế này, hãy tận dụng cơ hội của mình vì các giá trị của nó. Hãy trở nên thật giàu và giúp những người khác không có cơ hội như vậy. Tôi thấy điều đó hợp lý hơn nhiều so với việc trở nên túng quẫn và không giúp gì được ai.
Tất nhiên, một số người sẽ nói, “Tiền bạc sẽ thay đổi tôi. Nếu tôi giàu có, tôi có thể trở thành kẻ hợm hĩnh, tham lam.” Thứ nhất, chỉ có những người nghèo mới nói vậy. Đó chẳng qua là cách bao biện khác của sự thất bại, và nó xuất phát từ những nguyên nhân khác trong tiềm thức quá khứ tài chính của họ. Đừng tin điều đó!
Thứ hai, để tôi lập kỷ lục trung thực nhé. Tiền bạc chỉ làm bạn càng trở thành người như bạn vốn là hơn. Nếu bạn bình thường, tiền bạc sẽ cho phép bạn có cơ hội trở thành người chừng mực. Nếu bạn dễ thương, tiền bạc sẽ cho bạn cơ hội trở thành người dễ thương hơn. Nếu bạn hợm hĩnh trong lòng, với tiền bạc bạn có thể còn hợm hĩnh hơn. (Tôi biết là không có từ nào như thế, nhưng nếu bạn thực sự hợm hĩnh, bạn sẽ tìm ra cách). Nếu bạn hào phóng, nhiều tiền hơn sẽ đơn giản là cho phép bạn hào phóng hơn. Và nếu có ai bảo với bạn những điều khác, người đó là kẻ đang khánh kiệt!
Qui tắc Thịnh vượng số 25:
Tiền bạc chỉ làm bạn càng trở thành người như bạn vốn là hơn.
Vậy cần làm gì? Làm sao để bạn trở thành người biết đón nhận hơn?
Trước tiên, hãy bắt đầu chăm sóc bản thân. Nhớ rằng con người là tạo hóa của thói quen, và vì thế bạn sẽ phải thực tập có ý thức việc đón nhận vì cuộc sống tốt hơn của bạn.
Một trong những yếu tố then chốt trong hệ thống quản lý tiền bạc mà chúng tôi hướng dẫn các học viên của mình trong các khóa Millionairre Mind Intensive là sự cần thiết của việc tạo ra một tài khoản Vui chơi, là số tiền (có giới hạn) mà bạn tự cho phép mình sử dụng để chăm sóc bản thân, cho phép bản thân “có cảm giác của một triệu phú”. Về bản chất, tài khoản này có tác dụng như một công cụ giúp bạn công nhận giá trị của bản thân, đồng thời củng cố khả năng đón nhận của mình.
Thứ hai, tôi muốn bạn luyện tập cách trở nên điên điên với sự hưng phấn và thích thú bất cứ khi nào bạn tìm thấy hay nhận được tiền bạc. Thật là buồn cười, khi còn khánh kiệt nếu nhìn thấy đồng xu trên mặt đất tôi thường không chịu cúi khoom thấp đến thế chỉ để nhặt lên một đồng xu. Bây giờ khi tôi giaù có, tôi nhặt lên bất cứ cái gì chỉ cần trông giống tiền. Rồi tôi sẽ hôn nó cầu may mắn và tuyên bố to lên, “Tôi là nam châm hút tiền. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.”
Tôi sẽ không đứng đấy để đánh giá hay phân biệt nó. Tiền bạc là tiền bạc, và nhìn thấy tiền bạc là một phước lành từ vũ trụ. Bây giờ, khi tôi hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận bất cứ cái gì và tất cả mọi thứ đến với mình, tôi đón nhận!
Tâm hồn rộng mở và thái độ sẵn sàng đón nhận là những yếu tố vô cùng quan trọng một khi bạn muốn tạo ra của cải cho bản thân. Việc này lại càng quan trọng hơn, nếu bạn muốn cất giữ số của cải đó. Nếu bạn là người không biết đón nhận, bạn sẽ không hiểu vì sao một số tiền khá lớn lại thuộc về bạn, thì khả năng là số tiền đó sẽ biến mất một cách nhanh chóng. Lại là qui tắc “đầu tiên là bên trong, sau đó là bên ngoài”. Đầu tiên, hãy mở rộng cái hộp đón nhận của bạn. Rồi hãy nhìn xem tiền bạc sẽ đến để làm đầy nó.
Lại nữa, vũ trụ luôn làm đầy khoảng trống. Nói cách khác, một không gian trống sẽ luôn được làm đầy. Bạn có bao giờ để ý điều gì xảy đến với nhà kho hay nhà xe trống? Nó thường không trống rỗng quá lâu, đúng không? Bạn cũng có để ý thấy rằng, thật lạ là thời gian cần thiết để một động thái xảy ra luôn bằng với thời gian đã dành cho nó? Một khi bạn thật sự mở lòng ra để đón nhận, bạn sẽ được đón nhận.
Còn nữa, một khi bạn trở nên thực sự cởi mở để đón nhận, phần còn lại trong cuộc sống của bạn cũng sẽ có thể đón nhận. Bạn không chỉ nhận được nhiều tiền hơn, mà bạn còn nhận được nhiều tình yêu hơn, nhiều sự an bình cùng nhiều niềm vui hơn và nhiều sự mãn nguyện hơn. Tại sao? Bởi vì một qui tắc khác mà tôi luôn tin và sử dụng, cho rằng: “Cách bạn làm bất cứ cái gì là cách bạn làm tất cả mọi thứ.”
Qui tắc Thịnh vượng số 26:
Cách bạn làm bất cứ cái gì là cách bạn làm tất cả mọi thứ
.
Cái cách bạn hành xử trong một lĩnh vực thường là cách bạn hành xử trong mọi lĩnh vực. Nếu bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tiền bạc, khả năng là bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tất cả mọi thứ khác tốt lành trong cuộc sống. Trí óc thường không đặc biệt chỉ rõ khi nào bạn là người không biết đón nhận. Trong thực tế, chính xác đó là điều ngược lại: trí óc có thói quen quá tổng quát hóa mọi thứ và nói, “Cách nó xảy ra, là cách đã xảy ra, mọi lúc và mọi nơi.”
Nếu bạn đã không biết đón nhận, bạn là người không biết đón nhận trong mọi lĩnh vực. Tin tốt lành là khi bạn trở thành người rất biết đón nhận, bạn sẽ rất biết đón nhận ở mọi nơi, mọi lúc, và cởi mở để đón nhận tất cả những gì vũ trụ có cho bạn trong mọi lĩnh vực cuộc đời bạn.
Điều duy nhất bạn phải nhớ là hãy luôn nói “Cảm ơn” mỗi khi bạn đón nhận những điều may mắn đến với mình.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi là người luôn biết đón nhận. Tôi cởi mở và sẵn sàng để đón nhận thật nhiều, thật nhiều tiền trong đời mình!”.Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãt luyện tập là người rất biết đón nhận. Mỗi lần ai đó cho bạn lời khen hay vật gì đó, đơn giản nói “cảm ơn”. Không đáp trả bằng lời khen lại cho người đó vào đúng lúc đó. Điều đó cho phép bạn hoàn toàn đón nhận và sở hữu lời khen đó thay vì “đẩy” nó ra như phần lớn mọi người thường làm. Điều đó cũng cho phép người cho lời khen niềm vui cho quà mà không bị ném trả lại.
2. Bất kỳ, ý tôi là bất kỳ, số tiền nào bạn nhặt được hoặc nhận được đều nên được hân hoan chào đón. Hãy bước lên và hét lên, “Tôi là nam châm hút tiền bạc. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.” Đó là dành cho tiền bạc bạn nhặt được ngoài đường, cho số tiền bạn được tặng, cho số tiền bạn nhận từ chính quyền, cho số tiền lương bạn nhận, và cho số tiền bạn nhận từ các việc kinh doanh của bạn.
Hãy nhớ, vũ trụ được cài đặt để hỗ trợ bạn. Nếu bạn luôn tuyên bố rằng bạn là nam châm hút tiền, và đặc biệt là khi bạn có bằng chứng, vũ trụ sẽ chỉ còn biết nói: “OK,” và gửi nhiều tiền hơn cho bạn.
3. Hãy chiều chuộng bản thân. Ít nhất một lần trong tháng hãy làm gì đó thật đặc biệt để chăm sóc bản thân và tinh thần bạn. Hãy đi mát xa, spa, clb …, hãy gọi một bữa tối cực sang cho bạn, thuê du thuyền hay nhà nghỉ cuối tuần, yêu cầu ai đó mang bữa sáng cho bạn.
(Bạn có thể làm thay đổi với bạn bè hay thành viên gia đình để làm việc này).
Hãy làm những việc cho phép bạn cảm thấy giàu có và xứng đáng. Tuy nhiên, năng lượng bạn tỏa ra từ những trải nghiệm đó sẽ gửi thông điệp tới vũ trụ rằng bạn rất sung túc, và, vũ trụ sẽ chỉ làm việc của nó và nói: “OK”, rồi mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét