Kinh doanh đa cấp: Thật và ảo


Kinh doanh đa cấp: Thật và ảo
Sự phát triển đáng kinh ngạc về doanh số cho thấy, BHĐC là một phương thức kinh doanh được đón nhận mạnh mẽ tại Việt Nam. Số lượng các “đại gia” BHĐC quốc tế có mặt tại Việt Nam chính là bảo chứng cho sức hấp dẫn của thị trường này.
» Bài 1: Tăng trưởng chiều thẳng đứng
Bán hàng đa cấp (BHĐC), một mô hình kinh doanh hiện đại, đã tràn vào thị trường Việt Nam theo cấp số nhân về cả số lượng người tham gia lẫn số người... bị hại. Lẽ thường “càng đông càng loạn, càng nhanh càng ẩu” nên mô hình kinh doanh này đang được đặt ra nhiều vấn đề về quản lý.
Sự phát triển đáng kinh ngạc về doanh số cho thấy, BHĐC là một phương thức kinh doanh được đón nhận mạnh mẽ tại Việt Nam. Số lượng các “đại gia” BHĐC quốc tế có mặt tại Việt Nam chính là bảo chứng cho sức hấp dẫn của thị trường này.
Kinh doanh số cộng, lợi nhuận số nhân
kddc1
Quảng bá Sophie Paris
Một giám đốc marketing của hãng công nghệ lớn đã quyết định về đầu quân cho Herbalife Việt Nam. Quyết định này khiến nhiều người bất ngờ vì không phải ai cũng có thể vào được hãng công nghệ này với mức lương vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Thế nhưng theo vị này, doanh thu cao cùng với các chính sách hỗ trợ nhân viên tốt, từ du lịch đến chăm sóc y tế, đã khiến cô quyết định gắn bó với Herbalife với mức thu nhập lên cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Câu chuyện này cho thấy sức “hấp dẫn kinh ngạc” của BHĐC tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2011, toàn quốc đã có 63 DN được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó, Hà Nội đi đầu với 30 DN, TP.HCM 29 DN còn lại thuộc về các tỉnh Đồng Nai, 2 DN, Bình Dương và Hải Dương.
Tuy ít ỏi về mặt số lượng nhưng doanh thu mà thị trường này đạt được khá lớn và mức tăng trưởng cũng rất cao. Nếu như năm 2006, BHĐC chỉ đạt 614 tỷ đồng thì 4 năm sau đó, 2010, con số này đã lên đến 2.799 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần.
Làm nên doanh thu lớn như thế là một đội ngũ nhà phân phối không ngừng mở rộng và phát triển với mức độ 4 lần, tương đương doanh thu.
Cụ thể, số lượng người tham gia BHĐC tăng từ 235.783 người năm 2006 lên đến 874.281 năm 2010. Hiện các công ty BHĐC đa phần phân phối các sản phẩm như hóa mỹ phẩm, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, dinh dưỡng và các sản phẩm vệ sinh gia đình.
Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, trên thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu và số lượng người tham gia BHĐC chỉ đạt 10 - 15%. Trong khi đó, tại Việt Nam, tốc độ đến 120 - 150%. Cá biệt có DN đạt tốc độ tăng trưởng 200%.
“Thị trường Việt Nam rất trẻ, rất mới và chưa có nhiều sản phẩm tốt. Đặc biệt hơn cả là tâm lý thích kinh doanh, khởi nghiệp của phần đông người trẻ, rất thuận lợi cho việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa trực tiếp mà BHĐC hướng đến”, ông How Kam Chiong, Tổng giám đốc Amway Việt Nam nhận định.
Đây cũng chính là lý do khá nhiều DN BHĐC quốc tế đã có mặt tại Việt Nam như Avon, Orflame, Herbalife, Sophia Paris, À la Mode Paris... Thậm chí, có DN còn xây dựng cả nhà máy sản xuất như Amway Việt Nam để thuận tiện trong việc phát triển thị trường.
Số vốn mà Amway đầu tư cho nhà máy tại khu công nghiệp Amata (Biên Hòa) là 14,8 triệu USD, và công ty đang có kế hoạch nhập tiếp một số máy móc để tiếp tục tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường. Von cũng xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương) một nhà máy trị giá gần 3 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Marketing Oriflame cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người muốn làm thêm để tăng thu nhập, gia nhập các mạng lưới bán hàng uy tín là một cách dễ dàng để tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng thắt chặt tiêu dùng, thay vì mua sắm ở các trung tâm thương mại, họ đã chuyển sang mua sắm các sản phẩm ngoại nhập có chất lượng tốt với giá cả phải chăng.
Đặc biệt, nếu trở thành thành viên của các mạng lưới, điển hình như Oriflame, khách hàng được mua các sản phẩm làm đẹp với giá ưu đãi đến 30%.
Nhờ các tính năng này mà hoạt động kinh doanh của các công ty BHĐC vẫn tăng trưởng tốt trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại. “Điều này minh chứng bán hàng trực tiếp là loại hình kinh doanh cấp tiến của thời đại”, bà Bình nhận định.
Đa cấp nỗi niềm đa đoan
Cởi mở về chính sách, thuận lợi về tâm lý kinh doanh... rào cản lớn nhất mà các DN BHĐC phải đối mặt là cái nhìn không mấy thiện cảm từ cộng đồng.
kddc2
Đóng gói sản phẩm tại nhà máy Amway VN
“BHĐC tương đối mới mẻ ở Việt Nam đồng thời có nhiều công ty lợi dụng mô hình này để hoạt động không minh bạch gây ảnh hưởng đến cái nhìn tích cực của người Việt Nam”, bà Thanh Bình chia sẻ.
Khác với những mô hình đa cấp theo dạng lừa đảo, huy động tiền của người tham gia từ lúc gia nhập, mở rộng hệ thống để lấy hoa hồng theo dạng “kim tự tháp ảo”, đội ngũ bán hàng của các công ty BHĐC chân chính phải kinh doanh cật lực bởi cốt lõi của mạng lưới vẫn là bán hàng.
“Hai yếu tố quan trọng của BHĐC là chất lượng sản phẩm và cơ hội kinh doanh. Nếu phát triển nghiêm túc, bản chất mô hình kinh doanh BHĐC rất thông minh, đòi hỏi cả nhóm phải bán hàng tốt mới có được lợi nhuận cao”, ông How Kam Chiong cho biết.
Điển hình như mạng lưới của Amway Việt Nam, chỉ trả hoa hồng rất ít cho người phát triển nhóm và xem đó là phí trách nhiệm quản lý nhóm. Hoa hồng chủ yếu dựa vào doanh số bán hàng của từng cá nhân và hoa hồng cho cả nhóm khi đạt doanh số.
Sẽ không quá lời khi nói rằng, 2010 là năm “được mùa” của các DN kinh doanh BHĐC tại Việt Nam. Chưa đầy 5 tháng sau hoạt động chính thức, Sophie Paris, thương hiệu phụ kiện thời trang của Indonesia đã công bố doanh thu gần 2 triệu USD. Thương hiệu chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng Herbalife đạt khoảng 40 tỷ đồng. Amway Việt Nam đạt mức doanh thu cả năm 2010 hơn 30 triệu USD, chiếm hơn 22% thị phần.
Như vậy, doanh thu của mỗi thành viên phụ thuộc vào khả năng bán hàng của mỗi người và khả năng hợp tác với các thành viên trong nhóm.
Ngoài ra, nhà phân phối sau 1 tháng không tiêu thụ được sản phẩm, có quyền đem trả lại cho công ty.
Mới đây, Amway Việt Nam đã có một hướng đi mới có vẻ khá khác biệt với mô hình chuẩn của một DN BHĐC là mở cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và sắp tới là tại TP.HCM.
Theo giải thích từ phía Công ty, cửa hàng này chỉ bán cho các nhà phân phối và thêm chức năng quảng bá sản phẩm. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối cũ dẫn nhà phân phối mới đến “thực địa” nhằm tạo sự tin tưởng.
Bên cạnh đó, đặc thù của BHĐC là phát triển hệ thống theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc nên việc quản lý đội ngũ bán hàng phía dưới là một thử thách. Ông How Kam Chiong cho biết, chi phí đào tạo, phát triển nhân lực mà các công ty MLM phải đầu tư là rất lớn.
Trên thế giới có hơn 30.000 công ty phân phối hàng theo mô hình BHĐC. Những ngày qua, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) cũng đã đón tiếp khá nhiều DN MLM quốc tế đến tìm hiểu tình hình kinh doanh MLM tại Việt Nam. Những chuyến viếng thăm này hứa hẹn, việc đầu tư vào thị trường Việt Nam của các DN BHĐC quốc tế sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Doanh Nhân Sài Gòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét