Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2011


Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2011

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đến hết năm 2011 đã có khoảng 130 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó Cục đã xác nhận đăng ký cho 35 website sàn giao dịch. Các website đã đăng ký có mô hình hoạt động khá đa dạng, tuy nhiên có thể xếp chung thành một số nhóm sau:
- Các sàn giao dịch điện tử được tổ chức theo mô hình trung tâm thương mại hoặc chợ điện tử, nơi các thành viên được mở “gian hàng ảo” và có quyền quản lý, cập nhật thông tin, hình ảnh trên các gian hàng đó (ví dụ chodientu, enbac, vatgia, 123mua, v.v…)
- Các website cung cấp dịch vụ kinh doanh theo nhóm, nơi nhiều doanh nghiệp có thể thông qua website tiến hành hoạt động truyền thông, tiếp thị và trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng (muachung, muare, bookdeal, v.v…)
- Các website rao vặt, diễn đàn, nơi thành viên có thể đăng ký tài khoản và đưa thông tin về nhu cầu mua bán ở dạng đơn giản như tin rao vặt hay chủ đề thảo luận (ví dụ rongbay, nhavadat, v.v…)
Từ 35 sàn giao dịch đã đăng ký, đến cuối năm 2011, Cục đã thống kê được lưu lượng giao dịch trực tuyến rất khả quan, với hơn 1,5 triệu giao dịch được ghi nhận trên 30 sàn, đạt tổng trị giá giao dịch hơn 4.130 tỷ đồng. Bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã có doanh thu: 15 trên 30 doanh nghiệp được khảo sát báo cáo phát sinh doanh thu trong năm 2011, với tổng doanh thu đạt gần 111 tỷ đồng.

Thống kê hoạt động các sàn giao dịch thương mại điện tử đã được xác nhận đăng ký năm 2011

Đăng ký sànThống kê từ sàn đã được xác nhận
Số sàn nộp hồ sơ đăng kýSố sàn đã được xác nhậnSố sàn bị từ chốiSố thành viên tham gia giao dịchSố giao dịch thành côngTổng giá trị giao dịch thành côngTổng doanh thu
31335333.148.000 thành viên1.501.000 giao dịch4.130 tỷ đồng111 tỷ đồng
Trong tổng doanh thu của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, phí thu từ các thành viên tham gia sàn chiếm tới 84% nguồn doanh thu, phí thu được từ các hoạt động quảng cáo là 10% và 6% là từ các hoạt động khác như doanh thu bán hàng trực tiếp, phí đào tạo, phí tính trên giá trị giao dịch của thành viên…

Nguồn doanh thu của các sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2011

Trong số 30 sàn giao dịch được thống kê, nếu xếp theo quy mô doanh thu thì riêng 5 sàn giao dịch hàng đầu đã chiếm thị phần áp đảo, với giá trị giao dịch cộng gộp trên 5 sàn này chiếm 94% tổng giá trị giao dịch thành công và doanh thu cộng gộp chiếm 86% tổng doanh thu của toàn bộ 30 sàn (*). 5 sàn giao dịch TMĐT đó là: vatgia.com, enbac.com, muachung.vn, chodientu.vn và 123mua.vn.
Thị phần tổng giá trị giao dịch của các sàn thương mại điện tử năm 2011
Thị phần doanh thu của các sàn thương mại điện tử năm 2011
(Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2011)

Cơ quan chức năng bối rối với gian hàng online đa cấp


Cơ quan chức năng bối rối với gian hàng online đa cấp

Gây xôn xao dư luận từ cuối năm ngoái song đến nay, mô hình kinh doanh gian hàng đa cấp của MB24 vẫn hoạt động rầm rộ. Cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu song vẫn chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể..

Sau câu chuyện nhiều thành viên của MB24 cầu cứu cơ quan chức năng vì phải gánh nợ hàng chục triệu đồng do trót mua gian hàng online, VnExpress.net đã nhận được hàng loạt ý kiến, trong đó có nhiều chuyên gia xung quanh vấn đề này. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là tính pháp lý của hoạt động kinh doanh kiểu MB24, hình thức kinh doanh của MB24 là thương mại điện tử hay bán hàng đa cấp, cũng như khả năng thu hồi vốn của các thành viên.

Trong khi đó, theo Điều 3 - Luật Cạnh tranh 2005, bán hàng đa cấp được xác định là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng không phải tại địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia. Người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng và của người tham gia cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức.Theo Thông tư 46/2010 của Bộ Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử được định nghĩa là mô hình có nhiều người mua, nhiều người bán tham gia trên một không gian chung - là website thuộc sở hữu và quản lý của một thương nhân hoặc tổ chức. Quan trọng hơn, các sàn giao dịch này phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan chức năng xác nhận - điều mà MB24 chưa có. Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan này không thừa nhận MB24 là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Một buổi đào tạo dành cho các hội viên MB24.
Nguồn tin từ một cơ quan an ninh cho biết, kinh doanh gian hàng online theo kiểu đa cấp đã được “để ý” từ năm ngoái. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng nhận đơn thư phản ánh từ nhiều tháng qua. 3 tháng gần đây, Đài truyền hình Việt Nam cũng đã phát 2 phóng sự cảnh báo người tiêu dùng tham gia vào mô hình hoạt động đó. Tuy nhiên, MB24 vẫn hoạt động, vẫn tổ chức các lớp đào tạo thành viên, các buổi lễ tôn vinh những thành viên có thành tích mở rộng mạng lưới với sự tham gia của hàng trăm người.
Luật sư kinh tế Bùi Quang Nghiêm cho rằng đây là mô hình kinh doanh của MB24 có nhiều biểu hiện đáng ngờ. Theo ông, kinh doanh đa cấp đã được thừa nhận ở Việt Nam nhưng hoạt động đúng nghĩa phải có hàng hóa, đăng ký thành lập công ty và được cấp phép mua bán loại hàng hóa đó.

"Hàng hóa đều phải đăng ký mới được phép bán. Dù cho thuê hay bán gian hàng đó cũng phải là những tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được Nhà nước công nhận. Làm sao anh có thể bán cái mà anh không có, không được cấp phép", ông Nghiêm nói.Trong trường hợp của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24), doanh nghiệp này đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông để thành lập website. Nhưng loại hàng hóa trên đó chưa qua Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cấp đăng ký nên không được phép mua bán.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết thêm, việc một website lập ra, được phép giao dịch mua bán chỉ là phương tiện để trao đổi hàng hóa. Còn sản phẩm trên đó, dù vô hình hay hữu hình, muốn bán phải được sự cấp đăng ký của cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Phạm Thanh Bình - đại diện công ty Luật Bảo Ngọc, cũng cho rằng hoạt động kinh doanh của MB24 có biểu hiện không phù hợp với quy định hiện hành. Điều 9 Luật Doanh nghiệp quy định đơn vị kinh doanh phải hoạt động đúng với lĩnh vực đăng ký, chịu trách nhiệm hàng hóa bán ra. Ông Bình cho rằng mô hình kinh doanh này là đa cấp biến tướng. Bởi thương mại đa cấp thông thường là phân phối sản phẩm, còn hoạt động này chủ yếu bán gian hàng điện tử.

Vị luật sư cho biết thêm, theo Thông tư 46 được Bộ Công Thương ban hành, doanh nghiệp, cá nhân mua bán sàn giao dịch thương mại điện tử phải hợp đồng, chứng từ. MB24 chưa được cấp đăng ký là sàn giao dịch thương mại điện tử. Và mô hình kinh doanh của công ty này chưa được quy định trong luật pháp, vì thế khó có cơ sở pháp lý để những người tham gia vào đó đòi lại được tiền khi tranh chấp xảy ra.Với mô hình đa cấp, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng đây là phương thức kinh doanh tiến bộ, đã thành công tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, do một số cá nhân, tổ chức làm sai nên cách kinh doanh này bị méo mó, sai lệch. "Người định tham gia nên tìm hiểu kỹ đối tác, nhất định phải yêu cầu hợp đồng, đọc kỹ các điều khoản, chứng từ. Bài học cảnh giác là lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao", ông nói.
Theo nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, hiện có trên 20 website hoạt động theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào kinh doanh phương thức đa cấp đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan này đang hoàn thiện Nghị định Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh trong thời gian tới. Trong khi đó, đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khẳng định vớiVnExpress.net đang "để mắt" tới hình thức kinh doanh trái phép trên mạng và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.
Nhật Minh - Xuân Ngọc

Có chống được bán hàng đa cấp “lừa” ?


Có chống được bán hàng đa cấp “lừa” ?

TPHCM đang rà soát lại hoạt động của loại hình kinh doanh đa cấp. Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh công tác kiểm soát loại hình kinh doanh này.

Được biết, tại TPHCM có 8 công ty được cấp giấy đăng ký bán hàng đa cấp nhưng thực tế số doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn hơn nhiều. Ở góc độ quản lý, ông nhìn nhận ra sao?

Hiện có rất nhiều công ty đa cấp hoạt động tại TPHCM, nhưng chỉ một số công ty có đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Các công ty có đăng ký và đáp ứng những yêu cầu theo quy định sẽ được cấp giấy đăng ký. Đối với những công ty đang hoạt động nhưng chưa được Sở Thương mại cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp nghĩa là kinh doanh trái pháp luật, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 175/CP.

Sở Thương mại đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý. Nguyên tắc chung là Sở Thương mại thẩm định trên hồ sơ đăng ký, sau đó mới làm công tác kiểm tra thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

Dư luận cho rằng, Công ty Sinh Lợi là một trong những đơn vị được cấp phép nhưng mới đây sở đã tạm rút giấy phép vì “cấp phép lầm”. Phải chăng trong quy định về cấp phép còn nhiều sơ hở?

Ở đây hoàn toàn không có chuyện cấp phép lầm. Sở Thương mại cấp giấy đăng ký bán hàng đa cấp theo hồ sơ cam kết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thanh tra sở phát hiện công ty này có nhiều vi phạm nên tạm rút giấy đăng ký.

Quy định để cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp về mặt thủ tục rất chặt chẽ. Vấn đề là sau khi có giấy phép, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp theo hồ sơ đăng ký có đúng với thực tế hoạt động hay không.

Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được sẽ dẫn đến hậu quả hồ sơ là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Chẳng hạn, theo nguyên tắc là khi bán hàng đa cấp, công ty không được ràng buộc phân phối viên mua hàng, nhưng các công ty thường đưa ra điều kiện là phải mua hàng, đóng tiền mua tài liệu... đó cũng là biến tướng của đa cấp trái pháp luật.

Cần nói rõ là Sở Thương mại cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho công ty nghĩa là chứng nhận công ty đó có đăng ký loại hình kinh doanh đa cấp (dựa trên hồ sơ và những cam kết cụ thể). Nhưng nếu phát hiện công ty hoạt động không đúng như hồ sơ cam kết thì Sở Thương mại có quyền rút giấy chứng nhận.

Riêng về những vi phạm cụ thể của Sinh Lợi, chúng tôi sẽ có cuộc họp báo để thông báo cụ thể cho các cơ quan báo đài.

Ngoài vấn đề rút giấy phép, còn có hình thức chế tài nào khác đối với những công ty đa cấp hoạt động sai phép, nhất là kiểu bán hàng lừa (quảng cáo quá lố về hàng hóa, bán giá trên trời…)?

Nghị định 175/CP có điều khoản xử phạt đối với bán hàng đa cấp không trung thực. Nhưng rất khó phân biệt giữa việc “vô tình” hay “cố ý” vi phạm. Chẳng hạn việc ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm mới được trở thành phân phối viên, công ty “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau (phân phối viên trước ép phân phối viên mạng lưới) chứ không phải chủ trương của công ty.

Sở Thương mại không có thẩm quyền chế tài đối với các công ty đa cấp vi phạm. Hiện sở đang kiến nghị Bộ Thương mại chuyển giao UBND TP xử lý.

Về phía sở, việc quan trọng nhất là phải tăng cường hậu kiểm. Lực lượng tham gia hậu kiểm là thanh tra Sở Thương mại, quản lý thị trường, kể cả Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng có thể tham gia vào công tác hậu kiểm. Khi phát hiện công ty hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, người tiêu dùng nên phản ánh với các cơ quan chức năng để kiểm tra.

Xin cám ơn ông!

Theo Thanh Nhân
Báo Người lao động

Tạm giữ giấy đăng ký bán hàng đa cấp của Sinh Lợi


Tạm giữ giấy đăng ký bán hàng đa cấp của Sinh Lợi

Sở Thương mại TPHCM vừa tạm giữ giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Sinh Lợi do phát hiện công ty này có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Theo đoàn thanh tra của sở, Sinh Lợi đã vi phạm các qui định về nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa, về ký kết hợp đồng lao động với hợp tác viên, danh mục sản phẩm bán cho hợp tác viên không đúng như đăng ký, không cung cấp được hồ sơ xin đăng ký lưu hành 17 loại mỹ phẩm mà công ty đang kinh doanh...
Đoàn thanh tra của sở cho biết đang báo cáo UBND TPHCM về những sai phạm của Sinh Lợi để sớm xử lý theo pháp luật.
Theo N.HằngBáo Tuổi trẻ

Chiếc nịt ngực che mất lối vào đời...


Chiếc nịt ngực che mất lối vào đời...

Suốt tuần qua, tôi liên tục nhận những cuộc điện thoại nóng từ Đồng Nai. Những độc giả vốn là cô giáo, bác sĩ ở đó báo tin: “Một công ty ở TPHCM đang dụ rất nhiều sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp. Để làm thành viên, mỗi sinh viên phải mua 2 chiếc nịt ngực 3 triệu đồng”.

Theo đó, những chiết nịt ngực “đặc biệt” này khi mang vào có khả năng ngăn ngừa, thậm chí trị được bệnh ung thư vú! Gia đình biết tin, ra sức can ngăn nhưng rất nhiều sinh viên - là con em họ - vẫn một mực nhắm mắt lao theo cái gọi là lợi nhuận của món hàng đa cấp.
Một bác sĩ ở Long Khánh than thở: “Trời ơi! Nếu con tôi thất học còn nghe được, đằng này nó là sinh viên y khoa”. Một cô giáo cấp III ở Biên Hòa: “Em sợ quá, giải thích thế nào chúng vẫn không nghe, lại còn bảo khối anh là bác sĩ, kỹ sư còn là thành viên VIP đi bán nịt, huống gì sinh viên!”. Đó là những sinh viên giỏi, đang là gia sư ở TPHCM.
Với bài toán bán nịt ngực (cho các thành viên mới) lời to, họ đã bỏ dạy kèm, suốt ngày đi rao trên hành lang giảng đường, trong ký túc xá và người thân, bạn bè quen biết ở quê nhà. Nhiều sinh viên lơ là bài vở, gần như bỏ học nên hầu hết các môn thi học phần không đạt điểm tối thiểu, phải nợ. Gia đình mạnh tay cắt mọi khoản tài trợ, họ tuyên bố xanh dờn: “Đời con con lo! Những chiếc nịt ngực này sẽ làm nên... sự nghiệp”.
Họ không biết, “sự nghiệp” đó chỉ có trong lý thuyết kinh tế hình tháp ngược đầy bất ổn, không chóng thì chầy sẽ đổ ập lên chính tương lai u mê, tăm tối của họ.
Báo chí đã từng nhiều lần lên tiếng về hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng món hàng là chiếc nịt ngực có lẽ là lần đầu tiên. Về nội dung, khi nói nó có công năng trị ung thư vú dứt khoát là điều huyễn hoặc. Về hình thức, nó giống như đôi mắt kiếng cỡ bự thì chắc chắn không sai. Có phải do thế nên chiếc nịt ngực này đang che mất lối vào đời của một bộ phận sinh viên?
Theo Đặng Ngọc KhoaBáo Thanh niên

DN bán hàng đa cấp đầu tiên được cấp phép


DN bán hàng đa cấp đầu tiên được cấp phép

Sau khi Nghị định về bán hàng đa cấp được Chính phủ ban hành, tuần qua, doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực này, Công ty Sinh Lợi, đã chính thức được nhận giấy phép kinh doanh.

Theo giấy phép từ Sở thương mại TPHCM, Công ty Sinh Lợi được hoạt động bán hàng đa cấp với 5 ngành hàng là kim khí điện máy, hàng may mặc, đồng hồ, hàng gia dụng, mỹ phẩm.
Cách đây khoảng 5 năm, hoạt động bán hàng đa cấp được du nhập vào Việt Nam. Trong thời gian đầu, hoạt động mới mẻ này đã tạo ra nhiều luồng dư luận rất khác nhau. Việc cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh đã tạo ra một vị thế mới cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Công ty Sinh Lợi cho biết, để được cấp giấy phép, công ty này đã rà soát lại các hoạt động của mình nhằm chuẩn hoá theo quy định của pháp luật. Trong đó, công ty chú trọng đến việc xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên tham gia đồng thời cam kết của đảm bảo chất lượng hàng hoá, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên trong mạng lưới.
Công ty Sinh Lợi cũng đã có những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, và điều quan trọng hơn là quyền lợi của người tham gia và người tiêu dùng luôn được đảm bảo ở mức cao.
Theo nội dung của Nghị định về bán hàng đa cấp của Chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm: Cung cấp tài liệu cho người tham gia về các nội dung có liên quan đến hoạt động bán hàng; Bảo đảm chất lượng hàng hoá bán ra; Giải quyết các khiếu nại liên quan; Đào tạo người tham gia về nghiệp vụ bán hàng cũng như các quy định về pháp luật có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Công ty Cổ phần Sinh Lợi thành lập 17/5/2000, là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty này gặp khá nhiều khó khăn trong đó đáng kể nhất là sự không đồng tình của dư luận xã hội về cách thức kinh doanh mới mẻ này.
Theo VnEconomy

Du học sinh vỡ nợ vì bán hàng đa cấp


Du học sinh vỡ nợ vì bán hàng đa cấp

Thông tin khẩn từ một thành viên ban chấp hành Hội Sinh viên VN ở một trường đại học lớn tại Singapore: “Tình hình đã bùng nổ thật sự. Nhiều sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần, bỏ học, thậm chí có người còn nhờ gia đình cầm cố nhà cửa để gửi tiền sang trả nợ...”.

“Tôi mất tất cả"

Trời đã nhá nhem tối nhưng Nguyễn vẫn ngồi chờ chúng tôi với gương mặt buồn như mất ví. Nguyễn chậm rãi tóm lược nội tình của “vòng xoáy đa cấp”: “Vài chục SV tham gia đường dây, vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm gây xôn xao trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn là họ còn có ý định đưa chi nhánh của họ về VN làm ăn nữa. Chắc còn khối người bị lừa...”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, vòng xoáy đa cấp đã làm đảo điên một bộ phận không nhỏ cộng đồng SV VN tại các trường đại học NUS (Đại học Quốc gia Singapore), NTU (Đại học Công nghệ Nanyang), SIM (một đại học tư thục lớn của Singapore).

Chúng tôi tìm đến khách sạn K nằm trên đại lộ Orchard. M., cô SV năm 4 Trường NTU, chờ chúng tôi ở tiền sảnh với vẻ mệt mỏi tột cùng. M. là một trong những thành viên mới của một chi nhánh bán hàng đa cấp từ mấy tháng qua. Cô SV này chỉ đủ sức thì thào về những gì cô trải qua: “Tôi đã bỏ cả thi để chạy theo việc bán hàng để có thể thanh toán món nợ khổng lồ lên đến 8.000 - 9.000 đôla Sing (khoảng 80-90 triệu đồng VN).

Đó là số tiền của gia đình và hơn 4.000 đôla Sing mà tôi vay mượn khắp nơi. Còn bạn bè tôi, nhiều đứa cố giấu gia đình bên nhà chuyện đi bán hàng đa cấp. Có đứa nợ hàng trăm triệu đồng, đứa nào nhà khá giả thì xin cha mẹ cầm cố nhà cửa để gửi sang trả nợ... cốt chỉ để thoát ra khỏi đường dây khủng khiếp này. Tôi đã mất tất cả, bạn bè, uy tín, thi cử...”.

S., một nạn nhân của đường dây “đa cấp”, kể lại: “Upline (cấp trên) bám theo tôi như hình với bóng, gần như 24/24 giờ để đốc thúc việc vay mượn cho đủ 14.000 đôla Sing. Upline chỉ cho tôi cách khai thác tâm lý bạn bè, mượn tiền giờ nào để không thể từ chối. Tôi cứ như người bị mộng du, cái hình ảnh tiền bạc “năm chữ số” thường xuyên trong túi cứ dẫn tôi đi cùng upline từ sáng đến chiều, đến tối, thời gian đâu mà học nữa...!”.

Vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm?

H. kể: “Người ta vạch cho tôi phương châm để mượn tiền: “Khẩn cấp, tức thời và ngay tại chỗ!”. Việc mượn tiền được khuyên nên tiến hành vào ban đêm, càng khuya càng tốt. Lúc ấy mình đã đặt người bị mượn trong tình huống khẩn cấp làm động lòng bạn bè.

Giả bộ người nhà ở VN bị bệnh hoặc có chuyện gia đình khẩn cấp để gợi lòng trắc ẩn và tinh thần tương thân của người cùng cảnh xa xứ. Cách thức mượn tiền được ghi thành nguyên tắc hẳn hoi: chưa mượn được thì phải nghĩ ra tình huống bất ngờ để mượn. Bạn đồng ý thì tiền phải trao tay.

SV K. cho biết: “Trong túi tôi còn có 650 đô, vậy mà giữa đêm khuya hắn đến nước mắt giàn giụa, làm sao cầm lòng được, tôi phải rứt ruột đưa bạn 600 đô, chỉ giữ lại 50 đô phòng thân”. Còn T. kể về người bạn kinh doanh của mình: “Hắn rất kiên trì, thậm chí đi gom từng tờ lẻ 5 đô cho tới khi có đủ 50 đô đang khiêm tốn nằm trong túi bạn bè “cùng khổ” của hắn rồi mới chịu đi...”.

Trong một căn nhà nhỏ ở đường West Coast Way, S., một count (một “chức bậc” trong đường dây đa cấp), ra sức giới thiệu với tôi những sản phẩm, cách thức kinh doanh và khuyến cáo: “Hãy xài và cho người thân xài càng nhiều càng tốt...”.

Nhìn sơ qua mớ hàng hóa gồm những lọ, chai, hương liệu mà giá của nó nghe qua đã ù cả tai: một lọ dầu như dầu gió 60 đô, một ống hương liệu 100 đô... Count S. đã bỏ tiền “ôm” số hàng lên đến 13.600 đô để bán lại mong leo lên được chức “marquis”.

Lời cảnh tỉnh

Một số SV bắt đầu nhận ra, gấp rút gọi điện về nhà mượn tiền để trả nợ nhưng vẫn không thoát. Những upline kè sát 24/24 giờ trả lời bằng những cái nhìn lạnh lẽo: “Rút thì im mà rút, sẽ được hoàn đủ tiền, còn làm rùm lên sẽ mất”.

Tuy nhiên, muốn trả lại hàng phải chịu mất 10% phí quản lý. Quá hạn sáu tháng coi như không trả được. Riêng một số mỹ phẩm và các sản phẩm bóc ra xài thử coi như “ôm” trọn. Hậu quả của việc rút lui cũng khá đau lòng: người mất ít nhất cũng khoảng 3.000 - 4.000 đô Sing (30 - 40 triệu đồng VN). T., một nhân vật đã lỡ gửi quá nhiều hàng về cho người thân xài thử ở VN, cho hay anh “lãnh trọn” số nợ 6.000 đôla Sing mà chưa biết làm sao.

Và người đau đớn khổ sở nhất có lẽ là S., anh chàng SV nghèo quê miền Trung đi học theo diện học bổng. Gia đình anh phải di tản khắp nơi để “né nợ” bởi đã đến kỳ hạn thanh toán số nợ ngân hàng hơn 60 triệu đồng mượn gửi sang cho con...

Ngoài những điều “huyền bí hóa” trong các buổi lễ thì người ta lấy những điều rất thật để làm lóe mắt SV: hầu hết nhân vật cấp cao của nhánh này đều có bằng master. Hai người có bằng master từ Úc và Anh về, hai người khác lấy master tại Sing.

Một số bạn trong Hội SV NUS sau khi tự điều tra về những đường dây này đã tiết lộ trên mạng như một lời cảnh tỉnh du học sinh: “Nghe có master, ai cũng tin là đàng hoàng, nhưng chúng tôi đã kiểm chứng và biết hầu hết các upline đều có trục trặc trong công ăn việc làm hoặc đang thất nghiệp. Nguy hiểm nhất là hết năm nay có thể họ hết hạn visa phải ra khỏi Singapore, lúc ấy sự mất mát sẽ lớn hơn...”.

Đã có những SV bức xúc nhờ cả những giảng viên ngành luật của Singapore khuyến cáo về tình trạng “có thể vi phạm pháp luật” của những đường dây chiêu dụ SV VN tham gia “bán hàng đa cấp” và tung lên mạng. Các upline “phản pháo”, họ cũng lên mạng và khuyên bảo mọi người: “Cứ tự tin vào khả năng kinh doanh của mình...”.

Vòng xoáy kinh doanh đa cấp vẫn chưa lắng xuống trong giới SV VN tạiSingapore, nhiều cạm bẫy vẫn đang rình rập.

Theo Tiến HùngTuổi Trẻ

Bán hàng đa cấp có thể bị phạt đến 100 triệu đồng


Bán hàng đa cấp có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

(Dân trí) – Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại điều 38 Nghị định số 120/NĐ-CP và có quy mô hoạt động diễn ra trong phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Đó là quy định tại Khoản 2, Điều 38, Nghị định số 120/NĐ-CP, do Thủ tướng Phan Văn Khải vừa ký ban hành ngày 30/9/2005. Nghị định này còn quy định việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định pháp luật về cạnh tranh.

Điều 38 của Nghị định này quy định, sẽ phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với một trong 8 hành vi:

1/Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

2/ Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

3/ Yêu cầu người muốn tham gia phải trả một khoản tiền hoặc trả bất kỳ một khoản phí nào dưới hình thức khoá học, khoá đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

4/ Không cam kết cho người tham gia trả lại hàng hoá và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp.
5/ Cản trở người tham gia trả lại hàng hoá phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

6/ Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

7/ Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp.

8/ Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp.


Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại cho cá nhân hoặc doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Các hành vi quảng cáo, khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh và hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội có thể bị phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ khi đăng công báo.

Trần Đức