Cần xử nghiêm hoạt động bán hàng đa cấp phạm luật

Cần xử nghiêm hoạt động bán hàng đa cấp phạm luật

 
Một hội nghị phổ biến pháp luật bán hàng đa cấp.
Hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) được luật pháp Việt Nam cho phép và thực tế có đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, gần đây, một số doanh nghiệp (DN) đã mạo danh cả cơ quan nhà nước để BHĐC trái luật nhằm móc túi người tiêu dùng, gây mất uy tín cho ngành BHĐC và tạo ra sự bức xúc trong dư luận.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Bạch Văn Mừng, đến nay, BHĐC đã trở thành ngành kinh doanh hoàn thiện với quy mô 47 công ty đang hoạt động trên phạm vi cả nước và có tám hồ sơ đăng ký đang được thẩm định để cấp phép. Hoạt động BHĐC phát triển nhanh về số lượng và thu hút đông người tham gia cho nên công tác quản lý có những khó khăn nhất định.
Theo thống kê của Hiệp hội BHĐC Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của ngành BHĐC đạt 3.200 tỷ đồng, thu hút hơn một triệu người tham gia kinh doanh. Cũng theo nhìn nhận của hiệp hội này, thực tế trên thị trường vẫn còn một bộ phận lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc kiểm soát chưa đồng bộ, triệt để đã có những hành động bất chính thông qua các hoạt động như huy động vốn người tham gia, đầu tư tài chính, đầu tư ảo, nhượng quyền kinh doanh trên mạng in-tơ-nét, kinh doanh hàng hóa trá hình... nhằm trục lợi.
Đơn cử như Công ty BHĐC Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) tại Hải Phòng đăng ký kinh doanh bán duy nhất một sản phẩm là máy khử độc ô-dôn, nhưng đã bán cả thực phẩm chức năng như sâm nhung, đông trùng hạ thảo, Dưỡng cốt Vương. Công ty Liên Kết Việt còn ký hợp đồng BHĐC với khách hàng khi chưa được xác nhận hoạt động đa cấp tại Hải Phòng. Nguy hiểm hơn, Liên Kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa người tiêu dùng mua hàng. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (đơn vị cấp giấy chứng nhận Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững năm 2015) đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững năm 2014 đã trao cho Liên Kết Việt. Lý do thu hồi vì đã có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty này lừa đảo.
Mới đây, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc bằng lời mời “Không phải làm gì mà tiền vẫn chảy”, nhiều người dân ở thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã bỏ ra nhiều khoản tiền lớn tham gia và đứng trước nguy cơ trắng tay. Đại diện Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, cho đến nay, sở này chưa cấp giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp cho bất kỳ đơn vị nào. Như vậy, hành vi lôi kéo người dân của cơ sở Hoàng Giang Phúc thuộc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại địa phương là trái phép. UBND huyện Hương Khê đã kiểm tra cơ sở Hoàng Giang Phúc, ngoài giấy phép kinh doanh hàng kim khí và điện máy, không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến BHĐC.
Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng lan truyền vi-đê-ô clip BHĐC với lời lẽ phản cảm, quảng cáo quá sự thật về lợi nhuận. Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam, Trương Thị Nhi cho rằng, những thông tin đó là hoàn toàn trái pháp luật, mang tính gian dối, sai sự thật. Cũng theo bà Trương Thị Nhi, hầu hết các DN đã được cấp phép BHĐC đều hoạt động đúng mục đích như pháp luật cho phép. Tuy nhiên, trong hoạt động này vẫn còn xảy ra một số đơn vị lợi dụng hình thức BHĐC trái pháp luật, cần phải được luật pháp nghiêm trị.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các DN kinh doanh hàng đa cấp, Hiệp hội BHĐC Việt Nam sẽ phát hành cẩm nang về BHĐC để tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu, không bị mắc lừa. Mặt khác, hiệp hội sẽ tổ chức phổ biến pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước để việc quản lý BHĐC đạt hiệu quả hơn, đồng thời đào tạo, cấp chứng chỉ kiến thức BHĐC cho người tham gia. Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác giám sát, kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các công ty đa cấp vi phạm và loại bỏ những công ty không có giấy phép nhưng núp bóng đa cấp kinh doanh trái phép lừa dối người dân.
Để người dân không bị hình thức BHĐC gian dối, lừa mị, luật sư Võ Đan Mạch (đại diện Pháp lý của Hiệp hội BHĐC Việt Nam) chia sẻ, thu nhập BHĐC sẽ được trả dựa trên chương trình trả thưởng do DN quy định, chương trình đó phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Hiện nay, Chính phủ quy định đơn vị BHĐC chỉ trả cao nhất là 40% hoa hồng so với doanh thu một năm. Vì thế không có chuyện người BHĐC có thể nhận cao hơn mức quy định của pháp luật. “Chỉ có bán hàng mới đem lại thu nhập, tức là người tham gia phải mua một sản phẩm, sau đó đi tìm người khác để bán thì mới nhận được hoa hồng. Nếu chỉ có mua hàng mà không bán hàng, nhưng lại được hứa hẹn là nhận được tiền là hoàn toàn lừa dối”, luật sư Mạch khẳng định.
Ông Phan Đức Quế, Phòng điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh), cho rằng để hoạt động BHĐC đúng pháp luật, nên tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật mới cho DN. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cũng phải được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét