Khóc rưng rức, ngất xỉu vì nghe... diễn thuyết bán hàng đa cấp
Để đạt được mục đích làm dày mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, một số người đã tung chiêu dụ dỗ, kể cả việc lợi dụng yếu tố tâm linh.
Lợi dụng cả yếu tố tâm linh
Theo một số cư dân mạng, đây không chỉ là một màn diễn kịch mà là hài kịch. Nhân vật chính trong clip như một người đi khóc mướn, thậm chí những lời anh ta nói ra không có gì đáng phải xúc động đến phát khóc. “Thật là nhảm nhí! Người diễn thuyết nói chẳng đâu ra đâu vậy mà cả người nói, người nghe đều khóc rưng rức”, nick name muavang0618 viết trên một diễn đàn.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong số những người khóc lóc sụt sùi có cả những “diễn viên” do hội những người tổ chức buổi thuyết trình cài cắm. Theo đó, có thể những lời diễn thuyết không có gì đáng để xúc động nhưng do thấy người nói và một số người nghe khóc nên những người khác cũng khóc theo. “Làm gì có buổi thuyết trình nào đàng hoàng mà lại đông người khóc, ngất xỉu như thế. Chắc là có mấy “diễn viên” khơi mào rồi những người khác thấy vậy cũng khóc theo”, nick name naivang1982 phản ứng.
Hiện nay, ở nhiều diễn đàn khác nhau, cư dân mạng đã chia sẻ một số câu chuyện tương tự khi tham gia các buổi hội thảo, gặp gỡ của các nhóm tổ chức bán hàng đa cấp.
Trên diễn đàn Forum.com, nick name Popeye chia sẻ về một buổi tham dự hội thảo của công ty T.S.. Trong đó, cũng có những tiết mục khiến người nghe phải khóc sụt sùi, thậm chí sởn cả gai ốc. Popeye cho biết, ban đầu chị này "chém gió" như một phường chèo diễn tuồng, rồi kể những mẩu truyện triết lý, lên giọng dạy dỗ đạo đức, ca ngợi T.S, cảm ơn T.S. đã khai sáng con đường thành công cho chị, đã biến chị thành một con người tuyệt vời về mọi phương diện và đã cho chị ô tô, nhà lầu...
Sau đó, người này còn vào vai đứa con khóc lóc ai oán, kể lể công cha nghĩa mẹ, sám hối vì lâu nay không quan tâm chăm sóc bố mẹ khiến bố mẹ gầy gò, già yếu. Cảnh diễn này đã khiến nhiều người xem bắt đầu sụt sịt, khóc lóc. Để chinh phục hoàn toàn những người nghe nhẹ dạ cả tin phía dưới, chị này còn đưa micro cho một người ở phía dưới chia sẻ tâm sự. Chị “khán giả” này cũng khóc lóc, diễn bài y như chị “thủ lĩnh”. Theo nick name Popeye, đây là một sự cài cắm để người nghe “tâm phục khẩu phục”. Trò diễn này dễ dàng đánh lừa được nhiều người tham gia buổi hội thảo vì trong đó có nhiều người từ các tỉnh lẻ lên. Còn với Popeye: “Đây là một màn hài kịch, bi kịch rất rởm”.
1.001 chiêu lừa
Ngoài chiêu lấy nước mắt để chinh phục lòng người, một số thủ lĩnh của công ty bán hàng đa cấp còn dùng những con số siêu lợi nhuận ảo để làm mờ mắt người nghe. Theo đó, chỉ cần bỏ ra 2-3 triệu đồng mua sản phẩm mẫu để được kết nạp làm thành viên của công ty bán hàng đa cấp. Từ số vốn khiêm tốn này các thành viên có thể kiếm được trăm triệu đồng một tháng.
Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Hoa, 29 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội cho biết tin tức, chị từng tham gia buổi hội thảo của công ty A. theo lời rủ rê của một người bạn. Tại buổi hội thảo, những người làm chương trình giới thiệu một số thành viên kỳ cựu của công ty với những khoản thu nhập gần trăm triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng một tháng cùng những chuyến hội thảo kết hợp du lịch ở nước ngoài theo định kỳ.
“Nghe giới thiệu thì thấy kiếm tiền dễ như trở bàn tay nên nhiều người nhẹ dạ sẽ tưởng bở. Ngay từ đầu tôi xác định đi để chiều lòng cô bạn nên không mắc phải cám dỗ”, chị Hoa nói.
Chị Hoa cũng cho biết, chị bạn giới thiệu chị tham gia bán hàng đa cấp sau hơn một năm chật vật mời chào các mối quen biết tham gia mua hàng mà không thu được đồng lợi nhuận nào cả nên cũng từ bỏ nghề dễ giàu này. Mạng lưới thành viên của các công ty đa cấp không chỉ hình thành ở các thành phố lớn mà còn len lỏi về tận các vùng quê.
Chị Phạm Thị Yến, 27 tuổi, ở Hải Dương cũng từng là nạn nhân thất bại từ bán hàng đa cấp. Chị chia sẻ, nghe lời mời của một người bạn, chị tìm đến gặp người phụ trách nhóm bán hàng đa cấp của một công ty mỹ phẩm thiên nhiên và nhanh chóng bị mê hoặc bởi những lời giới thiệu của người này. “Theo lời và bảng hướng dẫn người này cung cấp thì mỗi tháng tối thiểu tôi cũng kiếm được 30 triệu đồng mà chả mất gì.
Thêm vào đó còn vô số lợi ích khác như: Được dùng mỹ phẩm giá gốc, được tích điểm để lĩnh thưởng cuối năm... Nghe thấy ngon ăn tôi không ngần ngại bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua mớ sản phẩm mẫu để đi giới thiệu. Từ đó, tôi đi gò hết người thân, không được thì tự bỏ tiền ra coi như mình mua sản phẩm vì nghĩ đến cái lợi sau này. Nhưng cuối cùng chỉ mất tiền oan mà không được lợi lộc gì”, chị Yến bức xúc.
Cũng theo phân tích của chị Yến, bản chất của việc bán hàng đa cấp là vòng xoay lừa đảo, trong đó nạn nhân chủ yếu là những người thân quen. “Những người ngồi trên như trưởng nhóm thì mới có lợi nhuận thôi chứ thành viên thì chỉ mất thời gian và lỗ thôi”, chị Yến nói.
Một trong những đối tượng các công ty bán hàng đa cấp muốn “tạo công ăn việc làm" là các sinh viên. Ngoài những chiêu lừa truyền thống các công ty này còn biến tướng nó dưới hình thức mới như: Tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại với mức lương 1,8 triệu đồng một tháng, làm việc trong ba tiếng. Tuy nhiên, để đạt được mức lương này, sinh viên phải tuyển được 30 thành viên mới và mỗi thành viên trong mạng lưới phải nạp được 1 triệu đồng tiền card điện thoại cho khách hàng. Nếu một trong số 30 thành viên do mình quản lý nghỉ việc thì không đạt yêu cầu.
Theo những sinh viên từng là nạn nhân của trò tuyển dụng này, đây thực chất là một trò lừa đảo việc làm, thu phí dưới hình thức sinh viên đóng tiền mua sim đa năng và làm không công cho các nhà tuyển dụng "ma".
Cần có hành lang pháp lý
Trao đổi với PV, tiến sĩ Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu ứng dụng tâm lý, ĐH Giáo dục Hà Nội cho biết, bán hàng đa cấp mà không theo kiểu "người trước móc tiền người sau" là một hình thức kinh doanh hợp pháp. Theo đó, về bản chất nếu các công ty làm đúng nguyên tắc về mặt pháp luật, đạo đức kinh doanh, minh bạch thông tin thì hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, theo bà Minh, tại Việt Nam hình thức bán hàng đa cấp đã bị một số công ty làm sai nguyên tắc, thiếu trung thực và phi đạo đức nghề nghiệp. Do đó, hình thức kinh doanh này đã trở thành trò lừa đảo khách hàng và những người thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin.
Về việc một số "thủ lĩnh" bán hàng đa cấp sử dụng thủ thuật để lấy nước mắt và lòng tin của khách hàng, bà Minh cho rằng, việc làm này là không đúng đắn vì nó mang tính ám thị, thôi miên người nghe.
"Theo quy định, rõ ràng làm như thế là không được vì nó mang tính chất lừa đảo người nghe. Mọi thông tin trong các buổi thuyết trình lẽ ra phải thật rõ ràng để người nghe tiếp thu thông tin một cách chính xác, cụ thể. Thế nhưng trong hầu hết các buổi thuyết trình của các công ty bán hàng đa cấp tôi được biết đều truyền tải những thông tin một cách mập mờ, nhất là con số lợi nhuận các thành viên thu được hàng tháng cũng như thông tin về các sản phẩm bị thổi phồng nhằm đánh lừa người nghe", bà Minh nói.
Cũng theo bà Minh, để hình thức bán hàng này được áp dụng đúng quy định của pháp luât, cơ quan chức năng cần có một hành lang pháp lý quy định cụ thể về công việc này. Ví dụ như: Những quy định về tính minh bạch và trung thực về thông tin, về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của các cộng tác viên cũng như các hình thức xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ý kiến chuyên gia:
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam: “Hoạt động BHĐC mang tính chất lừa đảo đang gây bức xúc cho cộng đồng và làm mất uy tín, hình ảnh của các công ty kinh doanh đa cấp hợp pháp, chân chính. Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động BHĐC, siết chặt các chính sách và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý nhằm giúp ngành kinh doanh này minh bạch hơn, lấy lại niềm tin người tiêu dùng”.
Theo ông Phan Đức Quế - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương:
Theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị điều chỉnh bằng khung pháp lý chặt chẽ hơn.
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ như đào tạo, du lịch, sim thẻ điện thoại, huy động tài chính... mà không cần phải đăng ký, không chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động đa cấp. Những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ chỉ được xử lý thông qua Bộ luật Hình sự, khi mà hậu quả của hoạt động kinh doanh đa cấp để lại đã quá lớn, ảnh hưởng tới đông đảo người tham gia. Điển hình là các vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp như Golden Rock (2006), Colony Invest (2007), Diamon Holiday (2011), MB24 (2012)...
Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn như đã nêu, Nghị định đã bổ sung quy định “mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức kinh doanh đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép”.
Nghị định số 42/2014/NĐ-CP còn đưa ra các quy định để quản lý chặt chẽ hơn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cũng như người tham gia bán hàng đa cấp.Chẳng hạn, Nghị định bổ sung các quy định cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; quy định chi tiết về thông báo tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp hay quy định chi tiết về điều kiện đối với đào tạo viên đào tạo cho người tham gia bán hàng đa cấp, bổ sung quy định về tạm ngừng (12 tháng), chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, quy định rõ ràng về việc rút khoản tiền ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ. Ngoài các quy định liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp, Nghị định cũng quy định rất rõ các trường hợp mà theo đó doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét