Bán hàng đa cấp: Đổi đời hay lừa đảo? (P2)


Câu chuyện một số nhà đầu tư lên tiếng phản đối mô hình kinh doanh đa cấp khiến cổ phiếu của Herbalife tụt dốc đang gây ồn ào tại Mỹ. Các phóng viên của hãng tin CNBC thực hiện phóng sự điều tra thâm nhập vào mạng lưới bán hàng đa cấp nổi tiếng này.

Bán hàng đa cấp Đổi đời hay lừa đảo (P2)
Các câu lạc bộ mà phóng viên CNBC thâm nhập ở vùng lân cận New York có rất ít thành viên, khác hẳn với câu lạc bộ đông đúc ở Inglewood, California, nơi mà hãng Herbalife mời các nhà báo đến thăm.
Angel Perez, người điều hành câu lạc bộ cho biết bố cô cũng là một nhà phân phối lâu năm của Herbalife. Perez, người đã tốt nghiệp đại học, cho biết sau hai năm tham gia cô kiếm được chỉ 24.000 USD/năm, sau khi trừ chi phí. Cũng như rất nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp, Perez được thuyết phục rằng nếu cô làm việc chăm chỉ hơn, cô sẽ thành công.
Herbalife từ chối cho phép nhà báo đến tham dự các sự kiện tuyển dụng của hãng, vì thế các phóng viên CNBC đã bí mật mang theo camera đến dự một sự kiện tuyển dụng của hãng ở New York, do một cặp vợ chồng có thâm niên bán Herbalife đã hơn 20 năm tổ chức.
Cuộc họp có khá đông người tham gia nhưng chủ yếu là những người đã tham gia bán hàng hơn là những người mới. Không gian tràn ngập âm nhạc huyên náo, rộn ràng, những tràng pháo tay và tiếng hô cổ vũ "Herbalife" từ phía các nhà phân phối.
Sau những màn giới thiệu hấp dẫn, các nhà phân phối lần lượt lên sân khấu để kể những câu chuyện về việc Herbalife đã thay đổi cuộc sống của họ ra sao. Họ nói về việc họ giảm cân, giảm bệnh huyết áp, tăng cường sức khoẻ và kiếm được nhiều tiền như thế nào.
Nhiều người cho biết họ kiếm được hàng ngàn USD mỗi tháng, thậm chí cả 10.000, 20.000 và 65.000 USD/tháng. Một nhà phân phối thành công kể lại câu chuyện mình đã sắm được chiếc ô tô Mercedes nhờ Herbalife. Tuy nhiên không ai nói rõ là họ kiếm được tiền từ bán sản phẩm hay là từ tuyển dụng người mới.
Joe Mariano, chủ tịch Hiệp hội bán hàng trực tiếp, cho biết sự khác biệt giữa mô hình kim tự tháp (phi pháp) và kinh doanh đa cấp (hợp pháp) rất đơn giản. "Yếu tố then chốt là hoa hồng. Nếu phần lớn hoa hồng chỉ đến việc tuyển dụng thay vì đến từ bán sản phẩm thì hoạt động kinh doanh đó có vấn đề".
Tuy nhiên, luật sư về kinh doanh đa cấp Kevin Thompson cho biết các quy định của Uỷ ban Thương mại liên bang (FTC) về vấn đề này khá "mơ hồ". Các công ty kinh doanh đa cấp cho biết họ có những quy định chặt chẽ, nhưng điều tra của CNBC cho thấy rất khó để kiểm soát hoạt động của hàng triệu nhà phân phối trên thế giới. Trong văn bản pháp luật, vẫn chưa có định nghĩa nào về mô hình kim tự tháp
Ranh giới mơ hồ
Điểm không rõ ràng ở đây là tỷ lệ hoa hồng tuyển dụng bao nhiêu là quá mức. "Các nhà phân phối bán sản phẩm cho khách mua lẻ, và mỗi khi tuyển được người bán hàng mới, họ cũng sẽ được hưởng hoa hồng từ doanh số của người đó. Các cuộc tranh luận thường xoay quanh tỷ lệ cân bằng giữa hoa hồng từ bán hàng và hoa hồng từ tuyển dụng. Nên tập trung vào bán hàng hay nên tập trung vào tuyển dụng, và cuối cùng hầu hết không ai tìm ra câu trả lời thích hợp", luật sư Thompson cho biết.
Các nhà làm chính sách dường như cố ý tránh đưa định nghĩa rõ ràng về mô hình kim tự tháp khi sửa đổi Luật Cơ hội kinh doanh. Trong một báo cáo, FTC cho biết "Uỷ ban cho rằng bất cứ định nghĩa nào về mô hình kim tự tháp cũng sẽ vẽ đường chỉ lối cho những nhà kinh doanh gian dối tạo ra những vỏ bọc hợp lý cho hoạt động kinh doanh của họ để "lách luật" ".
Theo David Vladeck, cựu giám đốc Uỷ ban bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, có một lý do khác nữa khiến các công ty kinh doanh đa cấp trá hình tránh được sự xử lý của luật pháp là có ít người chịu đứng lên tố cáo.
Trên thực tế, điều trở ngại là có rất nhiều người đã bị "mắc lỡm" với bán hàng đa cấp nhưng họ ngần ngại không muốn làm to chuyện. Do cảm giác xấu hổ, những người như Nicole Lopez và Sharon Shea thường tự đổ lỗi cho chính mình thay vì đứng lên kể rõ câu chuyện của mình.
Lopez đã bán Herbalife từ năm 2005 sau khi tìm hiểu qua bạn bè và Internet. Shea, người đã sử dụng Herbalife để giảm cân, đã quyết định thử tìm cơ hội việc làm sau khi chồng cô mất. Cô đã trở thành nhà phân phối năm 2010 với mức áp doanh số rất cao. Shea cho biết cô đã chi 3.000 USD tiền mặt để trở thành "người giám sát".
Theo Lopez, cô đã nói với người tuyển dụng rằng cô chẳng biết gì về kinh doanh nhưng người này đã bảo cô không có gì đáng ngại, Herbalife có một kế hoạch "sẵn có" để bất cứ ai cũng có thể thành công. Và cô đã tin. Shea được thuyết phục rằng cô có thể dùng Internet để bán hàng và tuyển dụng. Nhưng rồi hóa ra để duy trì doanh số cô đã phải bỏ tiền ra mua hàng tháng.
Kết quả là sau vài tháng, cô đã từ bỏ công việc này, chấp nhận mất 15.000 USD mà không thu được gì. "Mục đích của tôi không phải là trở nên giàu có, không phải là muốn một công việc nhà hạ lương cao, tôi chỉ muốn tìm công việc để giúp gia đình duy trì được cuộc sống hàng ngày".
Sau khi CNBC liên hệ với Herbalife để biết chi tiết về những gì đã xảy ra với Shea và Lopez, Herbalife đã hoàn trả lại cho họ một phần khoản thua lỗ, và cho rằng những thất bại của họ là do được tư vấn kém. Johnson nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC "Chúng tôi không vui vì những gì xảy ra với họ. Cơ hội của họ đã không được nhận ra".
Mặc dù đã lấy lại được phần nào số tiền, nhưng Lopez vẫn cảm thấy cay đắng vì những gì đã xảy ra với cô. "Tất cả những điều họ làm giăng bẫy những người nghèo và trung lưu như chúng tôi. Tôi đã mất 10.000 USD tiền tiết kiệm, và để rồi thấy hình ảnh họ trên tivi như là một công ty tuyệt vời chuyên giúp đỡ mọi người. Đó không phải là sự thực. Hàng triệu người đã mất tiền cho công ty. Và với tôi, đó là một sự lừa đảo".
Theo Dương An
vnmedia/CNBC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét