“Mờ mắt” với bán hàng đa cấp


Bán hàng đa cấp vẽ ra một viễn cảnh trong mơ, vì thế có rất nhiều người lao vào hình thức này như những “con thiêu thân”, nhưng sự thật về nó không phải ai cũng hiểu rõ, đã có nhiều bài học đắt giá cho những người có giấc mơ “làm giàu không khó”.


Tội phạm lừa đảo Kinh doanh đa cấp 4
Mô hình kinh doanh đa cấp 
Từ lâu, “ Bán hàng đa cấp” đã du nhập vào Việt Nam. Nhưng sự thật về kiểu kinh doanh này không phải ai cũng hiểu rõ. Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra : Liệu bán hàng đa cấp có phải là một hình thức lừa đảo mới ? Chất lượng sản phẩm ra sao?. Tại sao những công ty lớn, có thương hiệu trên thế giới vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống là phân phối sản phẩm đến các chi nhánh bán lẻ?...
Các nhà tuyển dụng của mô hình này khuyến khích bạn tìm kiếm và lôi kéo những người khác tham gia cùng. Từ đó, sau mỗi hóa đơn bán hàng của họ, bạn sẽ nhận được một số phần trăm nào đó. Như vậy bạn càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì bàn càng có nhiều tiền, nhưng nếu khi có một rủi ro từ tổng công ty, ví dụ như vụ việc công ty Agel tuyên bố đóng cửa thì ai sẽ là người chi cho những khoản tiền mà họ hứa trả cho bạn. Nó dẫn tới sự đổ vỡ theo phản ứng dây chuyền của cả một hệ thống.
Ngoài ra, khi trực tiếp bán hàng bạn sẽ nhận được chiết khấu từ 15 – 30%. Thực ra đây là một cách giải thích khác cho khái niệm khoản hoa hồng trong hoạt động bán lẻ của kiểu kinh doanh truyền thống.
Khi tham gia hình thức này, mỗi người sẽ phải nộp một khoản lệ phí và mua một số sản phẩm nhất định, và được chia theo các cấp độ. Các công ty bán hàng đa cấp thường tổ chức những buổi tọa đàm để vẽ ra một viễn cảnh trong tương lai về sự thành công của bạn như: Được đi du lịch thế giới, có mức thu nhập hàng trăm triệu/tháng, quản lý hệ thống hơn 50 người ... Thực chất, những người tham gia bán hàng đa cấp đang bán uy tín của bản thân cho công ty đó.
 
Do càng bán được nhiều, lượng chiết khấu họ nhận được càng cao, nên người bán hàng thường tung hô chất lượng sản phẩm, khiến người mua cảm thấy hấp dẫn khi mua hàng. Nếu sản phẩm kém chất lượng, họ sẽ là người trực tiếp giải quyết hậu quả cho khách hàng. Bên cạnh đó, ai sẽ là người kiểm chứng rằng sản phẩm đến tay người tiêu dụng có chất lượng tốt. Đa phần người dùng sản phẩm của hình thức kinh doanh này là vì họ nể người bán, tôn trọng mối quan hệ mà họ mua, thực ra họ chẳng biết gì về sản phẩm.
Ngoài ra, ở nước ta, các mặt hàng được bán theo mô hình bán hàng đa cấp thường là các loại thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm. Các sản phẩm trên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Do đó, liệu có an toàn khi chất lượng của sản phẩm chỉ là những lời nói, những câu quảng bá sáo rỗng đã trở thành khuôn mẫu khi bán hàng như: thực phẩm chức năng A không phải là thuốc nhưng hỗ trợ tối đa người sử dụng, giúp trị bách bệnh…
Theo giải thích của các công ty bán hàng đa cấp thì mô hình kinh doanh này tiết kiệm chi phí marketing và branding nên giá sản phẩm rẻ hơn các loại sản phẩm có cùng chất lượng. Vậy sao giá trị thương hiệu của họ không cao như các hãng khác, nếu tiết kiệm như vậy sao các hãng nổi tiếng không sử dụng mô hình kinh doanh này.
Và câu hỏi lớn nhất xung quanh vấn đề này là tại sao hình thức bán hàng đa cấp có lợi như vậy mà vẫn gây ác cảm cho mọi người, thậm chí một số nước trên thế giới như Australia còn cấm hình thức này. Và trên thực tế, tại nước ta hiện nay, hoạt động này chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vậy cần có một cái nhìn đúng đắn nhất về nó, cẩn trọng trong việc tham gia kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của mô hình bán hàng đa cấp.
Nguyễn Đức Anh Vũ - Bùi Duy Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét