Thực phẩm chức năng: Tăng trưởng thần kỳ nhờ kinh doanh đa cấp?


100%/năm - Mức tăng trưởng khó tin trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và những dấu hỏi về thực phẩm chức năng?
Thực phẩm chức năng là gì?
Khái niệm thực phẩm chức năng (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980, để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế định nghĩa thực phẩm chức năng (TPCN): Là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.
Hiện nay các nước phát triển có xu hướng ưa chuộng dùng các TPCN hơn dùng thuốc. Chính vì vậy, đa số các tập đoàn sản xuất thuốc đang chuyển sang sản xuất TPCN và tìm được đối tượng tiêu thụ lớn hơn.

Thực phẩm chức năng Tăng trưởng thần kỳ nhờ kinh doanh đa cấp

Thực phẩm chức năng là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm (Food) và thuốc (Drug) nên người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm - thuốc (Food-Drug).
Phân loại
Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chung về nó vì còn một số thực phẩm muốn dán nhãn với định danh này nhưng không trải qua một thử nghiệm hoặc tuân theo tiêu chuẩn nào. Cách phân loại sau dựa theo bản chất cấu tạo và tác dụng của chúng.
- Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất
Loại này rất phát triển ở Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản. Việc bổ sung này ở nhiều nước trở thành bắt buộc, được pháp luật hóa để giải quyết tình trạng “nạn đói tiềm ẩn” vì thiếu vi chất dinh dưỡng.

Thực phẩm chức năng Tăng trưởng thần kỳ nhờ kinh doanh đa cấp 1
Tháp dinh dưỡng

- Nhóm dạng viên
Đây là nhóm phong phú và đa dạng nhất. Tùy theo nhà sản xuất, có các dạng viên nang, viên nén, viên sủi, chứa các hoạt chất sinh học, vitamin và khoáng chất.
- Nhóm “không béo”, “không đường”, “giảm năng lượng”
Nhóm này điển hình là trà thảo dược, hỗ trợ giảm cân, phòng chống rối loạn một số chức năng sinh lý thần kinh, tiêu hóa, để tăng cường sức lực và sức đề kháng…
- Nhóm các loại nước giải khát, tăng lực
Được sản xuất, chế biến để bổ sung năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể khi vận động thể lực, thể dục thể thao…
- Nhóm giàu chất xơ tiêu hóa
Nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ được sản xuất, chế biến như các loại nước xơ, viên xơ, kẹo xơ…
- Nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột bao gồm xơ tiêu hóa sinh học (Probiotics) và tiền sinh học (Prebiotics) đối với hệ vi khuẩn cộng sinh ruột già (thường được chế biến từ các sản phẩm của sữa).
- Nhóm TPCN đặc biệt như phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ ăn dặm, vận động viên, phi hành gia, người tiểu đường, cao huyết áp, mắc chứng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, thức ăn qua ống thông dạ dày…
Trên bao bì sản phẩm thường cung cấp 2 loại thông tin:
Xác nhận có lợi cho sức khỏe (health claim): Ví dụ sản phẩm dành cho người tiểu đường, sản phẩm dùng để nuôi qua ống thông dạ dày…
Xác nhận về cấu trúc chức năng (structure / function claims): Những thực phẩm này dùng để chuyển tải những lợi ích tiềm tàng (nhưng chưa chắc chắn) đối với sức khỏe con người.
Những xác nhận về cấu trúc/chức năng có thể do tác dụng đã được biết đến của một hay nhiều thành phần có sẵn hoặc được bổ sung vào thực phẩm.
Sống khỏe nhờ mô hình kinh doanh đa cấp
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang, đồ dùng gia đình được xem là 4 nhóm hàng chính có thể kinh doanh đa cấp.
Theo ông Hồ Mạnh Quân - một nhà phân phối tại Amway Việt Nam, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, các công ty đa cấp có tên tuổi kinh doanh TPCN vẫn phát triển rất tốt tại Việt Nam. Với riêng Amway Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 100%/năm suốt giai đoạn 2008-2011.

Theo ông Phan Đức Quế - Trưởng ban Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): Năm 2006 cả nước có hơn 230.000 người, năm 2009 hơn 666.000 người, thì đến hết năm 2011 đã có hơn 1 triệu người tham gia mô hình kinh doanh đa cấp.

5 doanh nghiệp có số lượng người tham gia bán hàng đa cấp nhiều nhất là Lô Hội, Amway Việt Nam, Mỹ phẩm Thường Xuân, AVON Việt Nam, Herbalife Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều thuộc 2 nhóm ngành kinh doanh: thực phẩm chức năng (Lô Hội, Amway Việt Nam, Herbalife Việt Nam) và mỹ phẩm (Lô hội, Amway Việt Nam, Mỹ phẩm Thường Xuân và AVON Việt Nam).
Theo ước tính, cả nước có hơn 5.000 sản phẩm thực phẩm chức năng. 10 năm trước con số này chỉ khiêm tốn là 50 sản phẩm, chủ yếu là nhập khẩu. Đến nay có đến 65% sản phẩm đã được sản xuất tại Việt Nam.
Lô Hội
Công ty TNHH Thương mại Lô Hội trực thuộc Tập đoàn Liên Hoa do bà Trương Thị Nhi thành lập ngày 15-6-2002, vốn ban đầu 5 tỷ đồng.
Chính thức gia nhập Tập đoàn Forever Living Products (FLP), Lô Hội trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty Lô Hội, bà Trương Thị Nhi, hiện giữ chức Tổng thư ký Hiệp Hội bán hàng đa cấp Việt Nam.
Công ty Lô Hội hiện có 350.000 nhà phân phối khắp cả nước. Lô Hội được xếp hạng thứ 13 trong tổng số 140 quốc gia có mặt FLP trên toàn thế giới.

Thực phẩm chức năng Tăng trưởng thần kỳ nhờ kinh doanh đa cấp 2
Nguồn: Lô Hội Việt Nam

Thời điểm thành lập năm 2002, vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng, doanh thu cuối năm 2002 đạt gần 10 tỷ đồng. Hiện tại, vốn điều lệ đạt 16 tỷ đồng, tổng doanh thu sau 10 năm đạt gần 1.800 tỷ đồng, trong đó, nộp ngân sách 370 tỷ đồng và tổng số hoa hồng chi trả cho các nhà phân phối và đại lý đạt hơn 700 tỷ đồng.
Amway Việt Nam
Công ty Amway nghiên cứu thị trường Việt Nam cách đây 20 năm. Nhưng phải đến năm 2006, Amway mới chính thức vào thị trường Việt Nam. Sau khi được cấp giấy phép đầu tư ở Việt Nam, công ty mất thêm 2 năm nữa để xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp Amata (Đồng Nai).
Tăng trưởng doanh thu của Amway Việt Nam đạt mức 100%/năm trong suốt giai đoạn 2008-2011. Trong năm 2011, tổng doanh thu của công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng (53 triệu USD) nhờ hơn 260.000 nhà phân phối trên toàn quốc.
Chỉ với riêng dòng sản phẩm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (Nutrilite) đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu Amway Việt Nam. Năm 2011, doanh số từ dòng sản phẩm Nutrilite đạt 4,7 tỷ USD trên tổng doanh số 10,9 tỷ USD của Amway trên toàn thế giới.
Herbalife Việt Nam
Herbalife vào hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 2009.
Cách đây 3 năm, thương hiệu Herbalife còn rất mới lạ đối với người Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, Herbalife Việt Nam đang ở top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, top 20 của Herbalife toàn cầu.
Tại Việt Nam, mạng lưới của công ty này hiện có hơn 33.000 nhà phân phối.
Vẫn còn những kẽ hở của pháp luật
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ở thị trường TPCN, từ đầu năm đến nay, có ít nhất 5 vụ, việc nghiêm trọng bị phát hiện, nhưng tất cả các đối tượng đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, tiêu hủy hàng.
Vấn nạn “Chế” TPCN giảm béo giả: Phương thức phổ thông mà các đối tượng nước ngoài đang sử dụng là “độn” hoạt chất sibutramine - chất gây ức chế thần kinh trung ương, làm người uống có cảm giác no, không muốn ăn.
Tuy nhiên, hoạt chất này còn gây ra một loạt phản ứng phụ cho người sử dụng như: mất ngủ, tăng nhịp tim, đánh trống ngực, tăng huyết áp, giãn mạch… Năm 2011, Cục quản lý dược - Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn bộ thuốc chứa hoạt chất sibutramine.
Ở Mỹ, còn có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các TPCN gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) sẽ tránh được quy định của FDA (tương đương Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế ở nước ta), hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng TPCN.
Thực tế, mỗi năm ở Mỹ vẫn có hàng nghìn người tiêu dùng than phiền về chất lượng và tính an toàn của chủng loại thực phẩm này.
Thận trọng khi sử dụng
Khách hàng sử dụng TPCN là các khách hàng trung thành, sử dụng sản phẩm lâu dài. Tuy nhiên, có một số rào cản khiến người tiêu dùng và xã hội dè chừng và hiểu sai về tác dụng của TPCN:
- TPCN vào Việt Nam theo hình thức kinh doanh đa cấp. Hình thức kinh doanh này ít nhiều bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng biến tướng nhằm trục lợi.
- Việc hiểu sai TPCN đã qua bào chế (dạng viên nang, viên nén, dung dịch) là thuốc, dẫn đến sử dụng không đúng cách và không đạt hiệu quả mong muốn. TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
- Cách thức quảng cáo thái quá về tác dụng, công dụng hỗ trợ chức năng và điều trị bệnh. Sự bùng nổ về số lượng thương hiệu TPCN trong những năm gần đây khiến người tiêu dùng bị “ngộp” thông tin.
Hiện chỉ có một vài thương hiệu ở Việt Nam có đầu tư nông trại để tự sản xuất nguyên liệu nhằm giảm giá và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều trường hợp các cơ sở tư nhân tự sản xuất, chế biến và lưu thông các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng và niềm tin với xã hội.
Cần lưu ý, TPCN vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ. Để biết được mình hợp với loại TPCN nào, người sử dụng tìm đến tư vấn từ các chuyên gia, bác sĩ và lựa nên chọn những thương hiệu có uy tín và được tin cậy.
Kỳ Anh
theo TTVN

1 nhận xét: