14 nguyên tắc thành công - Nguyên tắc 14



NGUYÊN TẮC 14: SUY NGHĨ TÍCH CỰC
alt
Có thể nói yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thái độ và cá tính của bạn là những gì bạn tin tưởng và tự nhủ với chính mình. Điều quyết định cảm xúc, suy nghĩ và hành động của bạn trước một tình huống không phải là thực tế tình huống đó mà lại là phản ứng nội tâm của bạn với nó. Vì vậy, nếu bạn có thể kiểm soát những điều bạn tự nhủ với mình, những cuộc “nói chuyện nội tâm” thì bạn cũng sẽ kiểm soát được những vấn đề khác của cuộc sống.

Cuộc “nói chuyện nội tâm”, những từ bạn dùng để diễn tả sự việc đang xảy ra và diễn biến nội tâm của bạn trước sự việc đó sẽ quyết định tinh thần và cuộc sống tình cảm của bạn. Nếu bạn nhìn thấy những mặt tốt, mặt tích cực của sự việc hay con người, bạn sẽ có xu hướng tích cực và lạc quan. Chất lượng cuộc sống của bạn phụ thuộc vào cảm giác của bạn nên bạn phải cố gắng sử dụng các công cụ tâm lý để khiến bản thân bạn nghĩ về những điều bạn muốn, tránh nghĩ tới những điều bạn không muốn hoặc sợ hãi.

Nhà sử học Arnold Toynbee đã phát triển “lý thuyết phản ứng trước thử thách” của lịch sử. Sau khi nghiên cứu sự hưng thịnh và suy tàn của hơn 20 nền văn minh lớn trên thế giới, ông đã kết luận rằng mỗi nền văn minh đều bắt đầu từ một nhóm cư dân nhỏ, thường là một làng, một bộ tộc hay thậm chí chỉ có ba người và sau đó họ cố gắng để duy trì sự tồn tại của cộng đồng bé nhỏ của mình.

Toynbee cũng kết luận rằng mỗi cộng đồng người nhỏ bé này đều gặp phải những thách thức bên ngoài, ví dụ như một bộ tộc thù địch chẳng hạn. Để tồn tại họ phải xác định tinh thần và giải quyết những thách thức một cách tích cực và có tính xây dựng.

Sau khi vượt qua thách thức, các làng hay bộ tộc nhỏ này phát triển. Sau đó họ lại gặp những thách thức lớn hơn. Nếu họ có thể tiếp tục dựa vào nguồn lực của mình để vượt qua, họ sẽ phát triển cho tới khi trở thành một quốc gia rồi một nền văn minh trải khắp một vùng rộng lớn.

Toynbee nghiên cứu 21 nền văn minh của nhân loại, kết thúc bằng nền văn minh của người Mỹ và kết luận những nền văn minh này đều suy yếu và tan rã khi các thành viên và những nhà lãnh đạo của họ đánh mất khả năng hay nhiệt huyết để chiến thắng những thách thức bên trong của chính mình.

Bạn liên tục gặp phải khó khăn và thách thức, các vấn đề và thất vọng, nhưng trở ngại và thất bại. Điều đó không thể thiếu và không tránh khỏi trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn dựa vào chính mình và phản ứng tích cực với thách thức, bạn sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Thực tế, nếu không có những trở ngại đó, bạn không thể biết bạn cần những kiến thức gì và không thể phát triển những phẩm chất như bạn đang có.

Hầu hết những thành công trong cuộc sống đều xuất phát từ cách bạn cư xử trong cuộc sống. Một trong những phẩm chất của những người xuất chúng là họ nhận thấy những thất bại, thất vọng tạm thời là tất yếu và coi đó là một phần của cuộc sống. Họ cố gắng hết sức để tránh những vấn đề nhưng khi có vấn đề, họ rút ra kinh nghiệm, vượt qua và tiến lên để đạt được ước muốn của mình.

Tiến sĩ Martin Seligman của trường Đại học Pennsylvania đã hoàn thành cuốn sách tâm huyết của ông mang tên Learned Optimism (Học cách lạc quan) sau 25 năm nghiên cứu về chủ đề này. Trong cuốn sách Seligman giải thích các cách phản ứng chủ yếu của người lạc quan và bi quan. Sau nhiều năm nghiên cứu về tâm lý và hàng loạt những thử nghiệm toàn diện, ông đã tìm ra rằng những người lạc quan có xu hướng nhìn nhận các vấn đề theo cách khiến họ cảm thấy tích cực và kiểm soát được cảm xúc của mình.

Những người lạc quan có thói quen tự nhủ những điều tích cực. Mỗi khi gặp khó khăn, họ nhìn nhận khó khăn theo cách giúp họ ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực và thất vọng.

Tiến sĩ Seligman cũng nêu ra ba khác biệt trong cách phản ứng của người lạc quan và bi quan. Khác biệt thứ nhất là là người lạc quan nhìn nhận trở ngại là tạm thời còn người bi quan cho đó là lâu dài. Người lạc quan coi những việc không may như một hợp đồng bị bỏ lỡ hay một cuộc điện thoại bán hàng không thành công chỉ là một sự kiện tạm thời và không ảnh hưởng gì tới tương lai. Ngược lại, người bi quan cho đó là tất yếu của cuộc sống, là số phận.

Giả sử một nhân viên bán hàng lạc quan gọi điện cho 10 khách hàng tiềm năng và cả 10 cuộc gọi đều thất bại. Anh ta sẽ nghĩ đơn giản rằng đó là chuyện bình thường và rằng sau mỗi thất bại tạm thời đó, anh ta đang tiến gần đến khách hàng thực sự của anh ta. Anh ta sẽ bỏ qua thất bại đó và tiếp tục các cuộc gọi thứ 11, 12 một cách vui vẻ.

Người bi quan lại có cái nhìn hoàn toàn khác về tình huống tương tự. Anh ta sẽ kết luận rằng 10 cuộc gọi thất bại là dấu hiệu cho thấy nên kinh tế đang sa sút và sản phẩm của anh ta không thể tiêu thụ. Anh ta cho rằng tình cảnh và nghề nghiệp của anh ta thật không có hi vọng. Trong khi người lạc quan chỉ nhún vai cho qua và tiếp tục gọi điện thì người bi quan lại nản chí và không còn muốn tiếp tục nữa.

Khác biệt thứ hai là những người lạc quan coi khó khăn là một tình huống cụ thể còn người bi quan lại coi đó là tình huống phổ biến. Có nghĩa là khi mọi chuyện không theo ý muốn, người lạc quan sẽ coi đó là một sự kiện ngẫu nhiên, không có liên quan gì tới những lĩnh vực khác trong cuộc sống của anh ta.

Ví dụ, nếu một điều bạn rất kì vọng lại không như ý muốn và bạn coi đó là một điều không may nhưng là một điều bình thường trong cuộc sống thì nghĩa là bạn đã phản ứng như một người lạc quan. Ngược lại, người bi quan sẽ coi đó là biểu hiện của những vấn đề hoặc những điểm yếu phổ biến trong cuộc sống.

Nếu một người bi quan phải vất vả đầu tư cho một công việc làm ăn và công việc đó đổ bể, anh ta sẽ cho rằng lý do là vì sản phẩm, công ty của anh ta, vì tình hình kinh tế nói chung và cả công ty không còn hi vọng gì nữa. Anh ta sẽ nản chí, không thể tạo ra điều gì khác biệt cũng như cảm thấy không kiểm soát được số phận của mình.

Khác biệt thứ ba là người lạc quan coi sự việc xảy ra là khách quan còn người bi quan coi đó là chủ quan. Khi có vấn đề xảy ra, người lạc quan sẽ cho rằng nguyên nhân là khách quan, không kiểm soát được.

Nếu người lạc quan bị chen lấn khi đi đường, thay vì bực tức, anh ta sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhờ tự nhủ “Ờ, có lẽ hôm nay anh ta gặp chuyện bực mình.”

Người bi quan có xu hướng quy kết cho các yếu tố chủ quan. Nếu bị chen lấn, anh ta sẽ phản ứng như thể người kia cố tình làm anh ta phải tức giận. Anh ta sẽ thấy bực mình, tiêu cực và muốn trả đũa. Thông thường anh ta sẽ tuýt còi để cảnh cáo người lái xe kia.

Tất cả chúng ta đều có xu hướng phản ứng theo cảm xúc khi mọi điều không như mong muốn. Khi điều chúng ta muốn lại không thành sự thật, chúng ta sẽ cảm thất buồn bã và thất vọng.

Tuy nhiên, người lạc quan sẽ nhanh chóng vượt qua sự thất vọng. Anh ta sẽ phản ứng với những việc không theo ý muốn một cách nhanh chóng và coi những việc đó là tạm thời, trong hoàn cảnh cụ thể và vì những nguyên nhân khách quan. Anh ta sẽ kiểm soát câu chuyện với chính mình và ngăn chặn cảm giác tiêu cực nhờ nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực.

Trước khi viết cuốn sách giá trị nhất của mình về thành công, Napoleon Hill đã phòng vấn 500 trong số những người thành công nhất nước Mỹ và kết luận rằng “Trải qua những trở ngại hay thất vọng là động lực của những thuận lợi và lợi ích.” Và đây chính là một trong những bí quyết của thành công.

Vì ý thức của bạn chỉ có thể nghĩ về một điều trong một lúc, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực nên nếu bạn cố tình lựa chọn cách nghĩ tích cực, bạn sẽ có tâm trí lạc quan và cảm xúc tích cực. Và vì suy nghĩ và cảm xúc của bạn quyết định hành động nên bạn sẽ trở thành người có tính xây dựng hơn, sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu đặt ra.

Tất cả phụ thuộc và cách bạn nói chuyện với bản thân mình một cách thường xuyên. Trong những khoá học về giải quyết vấn đề và ra quyết định, chúng tôi khuyến khích mọi người chuyển từ phản ứng tiêu cực sang tích cực với vấn đề. Thay vì dùng từ vấn đề, chúng tôi khuyến khích dùng từ hoàn cảnh. Bạn phải hiểu vấn đề là những gì bạn sẽ xử lý. Sự việc cũng như vậy. Bạn có thể nhìn nhận vấn đề theo cách để khiến chúng trở nên ổn thoả một cách khác thường.

Từ hay hơn cả từ hoàn cảnh là từ thử thách. Khi bạn gặp khó khăn, hãy coi đó là một thử thách. Hay vì nói, “Tôi gặp vấn đề,” hãy nói, “Tôi đang đối mặt với một thử thách thú vị.” Từ thử thách mang nghĩa tích cực. Các tình huống xảy đến có thể giống nhau, nhưng cách bạn miêu tả chúng có thể khác.

Từ hay hơn cả là từ cơ hội. Khi gặp khó khăn, thay vì nói, “Tôi gặp vấn đề,” hãy nói, “Tôi có một cơ hội không ngờ tới.” Và nếu bạn tập trung tìm hiểu xem cơ hội đó là gì, cho dù đó chỉ là một bài học, thì bạn sẽ tìm ra. Tục ngữ có câu, “Hãy tìm và bạn sẽ tìm thấy, vì tất cả những ai tìm đều thấy cả.”

Một trong những câu nói ưa thích của tôi khi gặp khó khăn là: “Mỗi hoàn cảnh đều là một hoàn cảnh tích cực nếu ta coi đó là một cơ hội để phát triển và kiểm soát bản thân mình.” Khi có chuyện không như ý muốn xảy ra, tôi đều giảm nhẹ những cảm giác tiêu cực nhờ nhắc lại câu nói này.

Nếu bạn bán hàng, nhưng nỗ lực tìm kiếm khách hàng tiềm năng của bạn không mang lại hiệu quả mong muốn, bạn có thể coi đó là cơ hội phát triển và kiểm soát bản thân mình. Khó khăn bạn gặp phải có thể để cho bạn thấy rằng có cách khác tốt hơn để thực hiện công việc này. Có thể bạn nên tìm khách hàng ở địa điểm khác, tiếp cận với những người khác, hoặc thay đổi phương pháp. Có thể những khó khăn đó chỉ là một phần của quá trình bạn rèn luyện tính kiên định để thành công trên thương trường. Sự khác nhau giữa người chiến thắng và chiến bại là người chiến thắng xử lý tình huống một cách tích cực còn người kia để khó khăn quật ngã.

Dấu hiệu nhận biết một người thực sự trưởng thành, thực sự tự tin là khả năng khách quan và kiềm chế cảm xúc khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Những người trưởng thành có khả năng tự nhủ với mình những điều tích cực và lạc quan, giữ bình tĩnh, sáng suốt và trong vòng kiểm soát. Người trưởng thành là người nhìn nhận sự việc theo thực tế chứ không phải theo cảm xúc. Nhờ đó, họ dễ dàng kiểm soát bản thân, không dễ tức giận, buồn bực hay nản chí.

Điểm khởi đầu để trở thành người hiệu quả là luôn theo dõi và kiểm soát câu chuyện với bản thân bạn. Hãy giữ cho suy nghĩ và lời nói của bạn tích cực, nhất quán với mục tiêu của bạn và tập trung tâm trí vào việc bạn muốn làm, vào tính cách mà bạn thích.

Dưới đây và năm lời khuyên giúp bạn trở nên tích cực và lạc quan hơn:

Thứ nhất, hãy xác định rằng dù có chuyện gì xảy ra thì bạn cũng không nản chí. Bạn sẽ phản ứng một cách tích cực. Bạn sẽ hít sâu, thư giãn và tìm những khía cạnh tích cực trong vấn đề. Khi bạn xác định trước như vậy, bạn đã chuẩn bị tinh thần để giữ được thăng bằng khi tình huống xấu xảy ra, và chắc chắn nó sẽ xảy ra.

Thứ hai, trung hoà những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực nhờ tự nhủ với bản thân những điều tích cực. Hãy nói, “Tôi thấy khoẻ mạnh, vui vẻ, thật tuyệt!” Khi đi làm, hãy tự nhủ, “Hôm nay thật đẹp. Được sống thật là hạnh phúc.” Theo như quy luật diễn đạt, những điều được nói ra sẽ để lại ấn tượng. Những điều bạn nói với bản thân bạn sẽ được ghi vào tiềm thức của bạn và sẽ có thể trở thành cá tính của bạn.

Thứ ba, hãy coi những trở ngại tất yếu bạn gặp phải là những điều xảy ra tức thời, trong hoàn cảnh cụ thể và vì những lý do khách quan. Hãy coi những hoàn cảnh không thuận lợi là ngẫu nhiên, không liên quan tới tương lai và do những yếu tố bạn không thể kiểm soát được gây nên. Không nên coi sự việc là lâu dài, phổ biến và là dấu hiệu của sự yếu kém về năng lực.

Thứ tư, hay nhớ rằng chúng ta không thể phát triển và thành công nếu không có những khó khăn, trở ngại. Bạn phải thấy hài lòng và vượt qua khó khăn để trưởng thành. Hãy nhìn thấy mặt tích cực trong mọi tình huống xấu.

Cuối cùng, hãy tập trung suy nghĩ vào mục tiêu và ước mơ của bạn, vào mẫu người bạn mong muốn. Khi khó khăn xảy đến, hãy tự nhủ, “Tôi tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp trong mọi tình huống.” Hãy phấn chấn và tránh những cảm xúc tiêu cực, thất vọng. Hãy coi thất vọng là cơ hội để bạn mạnh mẽ hơn.

Khi bạn tự nhủ những điều tích cực, giữ cho suy nghĩ và lời nói phù hợp với mục tiêu và mơ ước của bạn, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công như bạn mong muốn.

Lược dịch từ Principles of Success theo bwportal.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét