Nhận diện kinh doanh đa cấp bất chính và hợp pháp


Nhận diện kinh doanh đa cấp bất chính và hợp pháp
Không thể phủ nhận những ưu điểm vượt trội và triển vọng của ngành kinh doanh đa cấp (KDĐC) đối với nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ đâu là KDĐC được pháp luật Việt Nam công nhận với KDĐC theo mô hình kim tự tháp ảo.

Hoạt động KDĐC tại Việt Nam
Vào những năm 1999-2000, KDĐC bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với một vài công ty hoạt động nhỏ lẻ. Từ khi Luật Cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/NĐ-CP được ban hành vào năm 2005, KDĐC đã được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý bởi luật pháp.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tính đến tháng 6.2011, tại Việt Nam có 63 công ty KDĐC đã được trao giấy phép hoạt động. Trong số đó, có 20 doanh nghiệp (DN) hiện nay đã tạm ngừng, chấm dứt hoạt động KDĐC. Số lượng người tham gia vào hoạt động KDĐC tại Việt Nam tính đến nay đã trên 1 triệu người, doanh thu đạt từ 614 tỉ đồng năm 2006 lên 2.799 tỉ năm 2010, gấp 4 lần trong thời gian 4 năm hoạt động.
Theo báo cáo từ các DN KDĐC, trong những năm qua, các công ty đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt trên 1.200 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân đạt trên 170 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho các công ty KDĐC hợp pháp cũng như loại bỏ các hoạt động KDĐC bất chính tại Việt Nam, đòi hỏi cần thiết phải có một tổ chức ngành nghề hoạt động chuyên nghiệp, đại diện và hỗ trợ cho các DN cũng như hỗ trợ cho các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn hoạt động KDĐC. Do đó, vào ngày 31.3.2010, Hiệp hội Bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã chính thức thành lập trên cơ sở Quyết định số 2451/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Bà Trương Thị Nhi – Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đã cho biết: “Trong vòng 2 năm qua, Hiệp hội đã cố gắng đưa hoạt động KDĐC vào nề nếp theo đúng qui định pháp luật, tăng cường kiện toàn cơ cấu tổ chức và kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã rất tích cực tham mưu với các cấp chính quyền, đóng góp xây dựng các chính sách về quản lý hoạt động KDĐC tại Việt Nam. Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, phổ biến pháp luật cho các thành viên tham gia. Thông qua phối hợp với các đài truyền hình và một số cơ quan báo chí, Hiệp hội đã có các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hoạt động KDĐC tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, các hình thức phân biệt KDĐC bất chính...”.
truongthinhi
Bà Trương Thị Nhi – Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam
Nhận diện KDĐC bất chính
Hiện nay tại Việt Nam vẫn còn một số công ty KDĐC chưa tuân thủ qui định của pháp luật cũng như xuất hiện nhiều công ty KDĐC biến tướng, lừa đảo, gây thiệt hại đến người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các công ty hợp pháp khác và toàn ngành KDĐC nói chung.
Bà Trương Thị Nhi cho biết thêm, các công ty KDĐC lừa đảo thường kinh doanh theo mô hình kim tự tháp ảo hay mô hình nhị phân và ma trận biến tướng, có những đặc điểm như: thường yêu cầu người tham gia phải trả phí ban đầu cao quá mức để gia nhập công ty; Trả thưởng cho nhân viên chủ yếu dựa vào việc chiêu dụ thêm nhiều người mới cùng tham gia vào hệ thống; Buộc người tham gia phải mua số lượng sản phẩm nhiều hơn mức họ có thể bán hoặc sử dụng và không cho phép trả lại hàng tồn; Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia...
KDĐC hợp pháp cần được bảo vệ
Người tiêu dùng hiện nay biết đến KDĐC thông qua rất nhiều công ty có lịch sử kinh doanh lâu đời như: Avon, Amway, Herbalife, Oriflame, Sophie Paris hay Tahitian Noni... Các công ty nói trên hiện đang kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam và các quy chuẩn doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng của Bộ chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong bán hàng trực tiếp, của Liên đoàn Bán hàng trực tiếp Thế giới (WFDSA). Cụ thể như: không nhận nhà phân phối dưới 18 tuổi, không được thu tiền từ các nhà phân phối tuyến dưới, có chương trình đào tạo, huấn luyện cho người tham gia rõ ràng và xuyên suốt...
Các công ty KDĐC nói trên còn liên tục phát triển các hoạt động xã hội tại Việt Nam. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tổng số tiền các DN KDĐC tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại Việt Nam là trên 8,4 tỷ đồng. Một số công ty KDĐC đã có nhiều hoạt động xã hội rất thiết thực cho người dân Việt Nam như: Avon với chương trình “Lắc tay nhân ái” để giúp đỡ phụ nữ Việt Nam bị bạo hành trong gia đình và chương trình “Giã biệt ung thư ngực” nhằm giúp đỡ các bệnh nhân ung thư ngực tại Việt Nam. Công ty Oriflame là đồng sáng lập ra Quỹ Nhi đồng Thế giới và là nhà tài trợ đồng hành của tổ chức SOS Quốc tế. Với quỹ từ thiện “Oriflame Foundation”, công ty đã tích cực hỗ trợ và giúp đỡ cho các trẻ em tại các trung tâm bảo trợ và làng SOS Việt Nam.
Ngay thời điểm này, rất cần sự can thiệp từ Nhà nước và luật pháp để bảo vệ lợi ích cho các DN hiện đang KDĐC nghiêm túc tại Việt Nam cũng như bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, tránh cảnh “một con sâu làm rầu nồi canh”.
--------------------
* Ghi chú: Chuyên mục được tư vấn bởi Ủy ban Bán hàng trực tiếp thuộc Amcham Việt Nam tại TP.HCM
Thanh Niên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét