Bài 2: Sống chung, chết chùm
Có mặt trên thế giới hơn 60 năm qua nhưng phải đến những năm 1998 - 1999, BHĐC mới xuất hiện tại Việt Nam. Hơn mười năm hiện diện, tổng số thuế đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp (DN) BHĐC lên đến hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng hình thức kinh doanh này cũng gây nên không ít đổ bể, kéo theo hàng ngàn nạn nhân.
Thêm những đổ vỡ đô-mi-nô
Sự đổ vỡ của Agel gây chấn động mô hình BHĐC tại VN
Theo số liệu từ Cục quản lý cạnh tranh, từ khi chính thức thừa nhận sự tồn tại của loại hình BHĐC đến nay, có đến 20 DN BHĐC đã tạm ngừng, chấm dứt hoạt động.
Trong đó, có thể kể đến những cái tên đã từng rầm rộ như Công ty CP Sinh Lợi, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Quốc tế Monjon Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên mạng lưới FPT...
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 7, sự chấm dứt hoạt động của Agel Việt Nam, mạng lưới được các diễn đàn xem là BHĐC số 1 ở Việt Nam đã khiến mô hình BHĐC tại Việt Nam chấn động mạnh!
Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ giữa năm 2008, Agel có số lượng nhà phân phối lên đến vài chục ngàn thành viên. Theo tìm hiểu, Agel Việt Nam đóng cửa là do hiện tượng đầu cơ trong chính nội bộ công ty.
Có người đầu tư tiền tỷ mở hàng loạt mã số để nhanh chóng được lên vị trí, mong kiếm được nhiều hoa hồng. Sau đó, ôm hàng về bán phá giá thị trường...
Doanh số BHĐC thế giới
Doanh số toàn ngành BHĐC của thế giới đạt hơn 400 tỷ USD. Mỹ: hiện có 2.000 công ty hoạt động và cứ 10 gia đình thì có một người làm trong ngành BHĐC, chiếm khoảng 15% dân số, có 500.000 người trở thành triệu phú nhờ BHĐC. Nhật Bản: 90% hàng hóa và dịch vụ được phân phối thông qua ngành BHĐC, có 2,5 triệu nhà phân phối, đạt doanh thu 30 tỷ USD. Đài Loan: Cứ 12 người có 1 người làm trong ngành BHĐC. Malaysia: Có hơn 1 triệu nhà phân phối, đạt doanh thu 1 tỷ USD...
|
Ngoài ra, Agel toàn cầu cũng không đạt được thỏa thuận thay Công ty Agel Việt Nam bằng pháp nhân khác 100% vốn nước ngoài.
Điều này khiến Agel toàn cầu có cái nhìn không thiện chí với thị trường Việt Nam và quyết định rút lui.
Trước đó, tuy thiệt hại không thuộc “khủng” như Agel nhưng đã có rất nhiều cuộc biến mất ngoạn mục của những mạng lưới BHĐC khác.
Vụ Công ty TNHH Thế giới mới Việt Nam, vụ của Công ty CP Sinh Lợi... cho đến nay vẫn là một vết đen ấn tượng bởi thiệt hại của những vụ việc này ít nhất là vài tỷ đồng. Sự việc đáng tiếc của Agel càng làm cho niềm tin vào mô hình BHĐC thêm lung lay.
Trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế 2008 “đại gia” làng công nghệ là FPT cũng đã nhảy vào BHĐC với sự ra đời của FPT Network (FN), thành viên của FPT Telecom với kỳ vọng hình thức kinh doanh này sẽ giúp FPT Telecom tiết giảm những chi phí quản lý, chi phí quảng cáo, giảm thiểu những rủi ro và tạo ra sự đột phá trong việc kinh doanh.
Mạng lưới này có nhiệm vụ phân phối các sản phẩm, dịch vụ của FPT như: đường truyền internet tốc độ cao, ADSL, cáp quang, Wi-Fi với các dịch vụ gia tăng như: điện thoại cố định (iVoice), truyền hình xem lại và truyền hình theo yêu cầu (iTV)...
Thậm chí, FPT cũng đã từng đầu tư 100.000USD cho việc phát triển tế bào gốc với định hướng là sẽ phân phối sản phẩm này theo hình thức BHĐC của FN. Tuy nhiên, hoạt động chưa lâu thì đến tháng 2/2010, FN đã phải giải thể.
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho biết, nguyên nhân giải tán FN là do hình thức BHĐC không phù hợp với sự phát triển chung của FPT và hiệu quả kinh doanh của FN cũng không như mong muốn. Bên cạnh đó, theo ông Trương Đình Anh, toàn bộ dự án phát triển tế bào gốc của FPT cũng đã được chuyển nhượng cho một đơn vị khác.
Để đa cấp không thấp cấp
Một số mặt hàng được bán qua hình thức kinh doanh đa cấp
Theo một chuyên gia nghiên cứu BHĐC, sự bát nháo của BHĐC tại Việt Nam hiện nay không phải là trường hợp cá biệt, mà là tình hình chung của bất cứ quốc gia nào khi trải qua giai đoạn đầu tiên kinh doanh mô hình này. Malaysia, Singapore...
“Năm năm sau khi BHĐC có mặt, chúng ta mới có nghị định quy định về các hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo sự phát triển chung của, các quy định này cũng đang được góp ý, sửa chữa để kiện toàn. Vì điều này mà các hoạt động BHĐC tại Việt Nam là có thể chuẩn hóa trong thời gian tới”, ông này chia sẻ.
Xét tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động hay chuyển phương thức kinh doanh tại Việt Nam hiện nay với số giấy phép kinh doanh mà các sở công thương toàn quốc đã cấp, đối chiếu lại với con số 20/63 DN BHĐC tại Việt Nam, có thể thấy, sự đào thải của BHĐC trên thị trường cũng rất lớn.
Tuy nhiên, khác với phương thức truyền thống, BHĐC có sự tham gia kinh doanh của chính người dùng cũng như số đông nhà phân phối nên khi có sự cố xảy ra, tác động về mặt xã hội là rất lớn.
Với dân số hơn 86 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường rất tiềm năng trong mọi lĩnh vực, trong đó vượt trội là BHĐC. Vấn đề là phải làm thế nào để BHĐC phát triển trong sạch và phù hợp với điều kiện đời sống của người Việt.
Để làm được điều này, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (MLMA), cho rằng, ngoài việc tích cực kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cần tìm hiểu những bất cập để sửa đổi, bổ sung nghị định, thông tư quản lý hoạt động BHĐC.
Bên cạnh đó, rất cần có sự tham gia chặt chẽ của Bộ Y tế trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm phân phối qua hệ thống BHĐC nhằm tránh việc các DN tuyên truyền không đúng sự thật về sản phẩm, gây ngộ nhận.
Bên cạnh đó, chính DN BHĐC cũng cần phải tự thân kiện toàn hệ thống và kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân phối của chính mình.
Doanh Nhân Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét