Bán hàng đa cấp: Giá cả ngất trời


Bán hàng đa cấp: Giá cả ngất trời

Để nhanh chóng đạt vị trí cao, nhiều người tham gia bán hàng đa cấp tự bỏ ra tiền tỷ để đầu tư mà không theo đúng trình tự phát triển của hệ thống. Hậu quả là từ chỗ túng quẫn lại gánh thêm nợ nần chồng chất...



 
Canh bạc cay đắng

Nhiều người vốn đang thất nghiệp lại rất khó khăn về tài chính phải đi vay mượn tiền bạc, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để mua hàng và trở thành thành viên của các công ty kinh doanh đa cấp. Cay đắng hơn, mặc dù đang là “con nợ” nhưng lúc nào cũng phải ăn diện cho thật chỉn chu, phải thể hiện được hình ảnh một người thành đạt, giàu có  thì... mới thêm phần thuyết phục được người khác tham gia mạng lưới của mình.

Phạm Quốc Doanh vốn là 1 thợ cắt tóc nổi tiếng ở đường Giải Phóng (Hà Nội), thu nhập một ngày không dưới 500 nghìn đồng. Bỗng dưng Doanh đóng cửa hàng, ăn mặc chỉnh tề, đi dự hàng loạt các buổi hội thảo, tập huấn trong và ngoài nước bằng tiền... túi do một công ty kinh doanh thực phẩm chức năng tổ chức.

Họ hàng của Doanh ở Nam Định, Đà Nẵng, Sài Gòn được anh huy động tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của mình. Thậm chí, Doanh thế chấp ngôi nhà ở Hà Nội, đem hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào sản phẩm của công ty để tiến gần hơn vị trí “kim cương” – thứ hạng cao cấp với khoản hoa hồng từ đại lý nhánh dưới trích lại lên tới 50%.

Sau gần nửa năm tham gia kinh doanh đa cấp, một ngày những khách hàng cắt tóc quen thuộc của Doanh lại thấy anh miệt mài... cầm kéo. Nhìn vẻ mặt u ám, gầy sọm, ai cũng ái ngại. Doanh thổ lộ, mỗi sản phẩm bán ra thì thành viên trực tiếp bán sẽ được tính điểm và được trả hoa hồng dựa vào doanh số bán ra của cá nhân và hệ thống. Càng làm việc lâu trong hệ thống thì doanh số càng lớn và hoa hồng càng cao. Phần trăm hoa hồng cũng tăng theo cấp bậc của từng vị trí mà thành viên trong hệ thống đạt được. Vì nóng vội và u mê nên Doanh đã đi ngược quy trình. Và khi không thể phát triển được mạng lưới, không thể bán được hàng thì khoản tiền tỷ đầu tư bốc hơi nhanh chóng.

Đắt ngang... thần dược

Giá nhập khẩu mỗi viên thực phẩm chức năng có loại chỉ 5.000-6.000 đồng (tính cả thuế nhập khẩu 30%), nhưng có khi được đẩy lên gấp 9-10 lần, trong đó không ít sản phẩm được kê đơn tại bệnh viện - nơi bị cấm kê thực phẩm chức năng.

Trong vai một vị khách ở tỉnh lẻ có nhu cầu làm tổng đại lý thực phẩm chức năng, chúng tôi liên lạc với những số điện thoại quảng cáo trên mạng chuyên cung cấp hàng xách tay. Sau cuộc hẹn, chúng tôi ghé thăm một địa chỉ chuyên hàng sách tay từ Nhật Bản có tiếng ở HN.

Trong căn nhà chật hẹp ở tập thể Phương Mai, người đàn bà chạc 40 tuổi đang “bơi” trong gian nhà ngổn ngang các loại thuốc tân dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Biết được ý định của khách, cô chủ gợi ý ngay hàng chục loại thực phẩm làm đẹp đang hút hàng, trong đó có loại Neo-Vita White Plus chứa 180 viên thuốc nén màu trắng, giá 550.000 đồng/hộp.

 “Cái này uống một ngày sáu viên, làm đẹp da, tiêu nếp nhăn, tàn nhang, bổ sung vitamin C, E. Nếu kết hợp thêm collagen của Shiseido, viên nén hoặc dạng nước, với giá hơn 700.000 đồng/hộp thì sẽ đẹp từ trong đẹp ra. Em chị làm tiếp viên, trực tiếp đi mua rồi mang về từ Nhật đấy, yên tâm lắm”.

Thấy tôi chê đắt, sẽ khó bán ở tỉnh, cô chủ nói thẳng: “Em ngờ nghệch lắm, giá chị bán là đã chiết khấu, em về cứ cộng thêm 100% vào mà bán, chả đắt như tôm tươi”.

Tại một địa chỉ khác, chuyên hàng xách tay từ Mỹ, Pháp, Úc, chủ cửa hàng cho biết: “Gần đây khách rất chuộng thuốc uống nở ngực BB từ Nhật Bản. Ngày nào cũng có mấy đơn hàng. Mỗi lần đóng hai ba chục hộp”. Chủ hàng cho biết thêm ở đây có loại tăng sinh lý One a day (Mỹ) dành cho cả nam lẫn nữ bán khá chạy. Ngoài ra, loại thực phẩm chức năng có tác dụng giảm cân được chiết xuất từ Linh Chi cũng đắt khách. “Giá mình bán ở đây chỉ có 100 nghìn/hộp, thế mà hôm trước chị bạn mua ở ngoài gần 800 nghìn đấy”. Chủ cửa hàng kể.

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, nói việc thổi phồng giá cũng có, nhưng 100 người sản xuất kinh doanh thì chỉ 1-2 người. Thổi phồng giá ở đây chủ yếu trong bán hàng đa cấp. Ông Đáng cho là khâu kinh doanh đang đẩy giá thực phẩm chức năng lên cao. “Tôi biết có sản phẩm giá thành chỉ 300.000 đồng, nhưng khi đến tay người dùng đã được đẩy lên 1,9 triệu đồng”. Ông Đáng nói.

Chất lượng trời ơi!

Nghe mấy người khách đến cửa hàng Spa của mình thì thầm về sản phẩm trà giảm cân, chị Tuyết Liên, chủ 1 salon spa nổi tiếng ở Linh Đàm (HN) âm thầm sử dụng với hy vọng nhanh chóng tìm lại dáng thon ngày nào. Chưa kịp uống sang gói thứ 2 thì chị hoa mày, chóng mặt, nôn thốc nôn tháo. Gọi điện cho người bán, chị được tư vấn tiếp tục dùng vì đó là hiện tượng bình thường, thậm chí còn... tốt là khác. Tuy nhiên, cố gắng uống đến gói thứ 5 thì chị... nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Tương tự, chị Lê Hương Giang (Khâm Thiên - HN) được một người bạn kinh doanh đa cấp tư vấn uống thực phẩm chức năng thay cho bữa ăn sáng có thể giảm cân, tăng sức khỏe. Tin lời, chị bỏ ra gần 2 triệu mua 1 hộp thực phẩm chức năng. Sau tròn 1 tháng, chị phát hiện mình tăng thêm 2 kg lúc nào không rõ. 

Mới đây, đoàn kiểm tra của Phòng An ninh Kinh tế và Đội quản lý thị trường số 14, HN đến kiểm tra Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Gia (có kinh doanh thực phẩm chức năng) trụ sở ở phố Đốc Ngữ, HN đã phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng do công ty này kinh doanh không đạt chất lượng như công ty tự công bố.

Trước đó, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cũng đã gửi kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Shark Cartilage, hàm lượng glucosamin dán trên nhãn hàng (350mg/hai viên) nhưng thực tế chỉ đạt 161mg/viên (92% so với công bố); hàm lượng chondroitin công bố 300mg/2 viên nhưng thực tế chỉ đạt 137,8 mg/viên, tương đương 91,86%...Điều đáng nói, một số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng nhãn mác và mã vạch sản phẩm lại thể hiện sản xuất tại Mỹ. Đây chính là hành động lập lờ nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Một người từng bán hàng đa cấp nay đã giải nghệ tiết lộ, thực phẩm chức năng bán theo hình thức đa cấp và đưa vào “kê đơn” trong bệnh viện với mức giá khá cao. Một phần lợi nhuận phải dành chi trả hoa hồng cho bác sĩ kê đơn, đại lý bán hàng đa cấp, các nhánh của mạng lưới kinh doanh đa cấp và công ty phân phối. Chính vì vậy, giá cả thường bị đẩy lên cao ngất ngưởng.

Theo Gia Bảo
Sức khỏe & An toàn thực phẩm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét