Có chống được bán hàng đa cấp “lừa” ?


Có chống được bán hàng đa cấp “lừa” ?

TPHCM đang rà soát lại hoạt động của loại hình kinh doanh đa cấp. Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh công tác kiểm soát loại hình kinh doanh này.

Được biết, tại TPHCM có 8 công ty được cấp giấy đăng ký bán hàng đa cấp nhưng thực tế số doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn hơn nhiều. Ở góc độ quản lý, ông nhìn nhận ra sao?

Hiện có rất nhiều công ty đa cấp hoạt động tại TPHCM, nhưng chỉ một số công ty có đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Các công ty có đăng ký và đáp ứng những yêu cầu theo quy định sẽ được cấp giấy đăng ký. Đối với những công ty đang hoạt động nhưng chưa được Sở Thương mại cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp nghĩa là kinh doanh trái pháp luật, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 175/CP.

Sở Thương mại đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý. Nguyên tắc chung là Sở Thương mại thẩm định trên hồ sơ đăng ký, sau đó mới làm công tác kiểm tra thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

Dư luận cho rằng, Công ty Sinh Lợi là một trong những đơn vị được cấp phép nhưng mới đây sở đã tạm rút giấy phép vì “cấp phép lầm”. Phải chăng trong quy định về cấp phép còn nhiều sơ hở?

Ở đây hoàn toàn không có chuyện cấp phép lầm. Sở Thương mại cấp giấy đăng ký bán hàng đa cấp theo hồ sơ cam kết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thanh tra sở phát hiện công ty này có nhiều vi phạm nên tạm rút giấy đăng ký.

Quy định để cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp về mặt thủ tục rất chặt chẽ. Vấn đề là sau khi có giấy phép, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp theo hồ sơ đăng ký có đúng với thực tế hoạt động hay không.

Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được sẽ dẫn đến hậu quả hồ sơ là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Chẳng hạn, theo nguyên tắc là khi bán hàng đa cấp, công ty không được ràng buộc phân phối viên mua hàng, nhưng các công ty thường đưa ra điều kiện là phải mua hàng, đóng tiền mua tài liệu... đó cũng là biến tướng của đa cấp trái pháp luật.

Cần nói rõ là Sở Thương mại cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho công ty nghĩa là chứng nhận công ty đó có đăng ký loại hình kinh doanh đa cấp (dựa trên hồ sơ và những cam kết cụ thể). Nhưng nếu phát hiện công ty hoạt động không đúng như hồ sơ cam kết thì Sở Thương mại có quyền rút giấy chứng nhận.

Riêng về những vi phạm cụ thể của Sinh Lợi, chúng tôi sẽ có cuộc họp báo để thông báo cụ thể cho các cơ quan báo đài.

Ngoài vấn đề rút giấy phép, còn có hình thức chế tài nào khác đối với những công ty đa cấp hoạt động sai phép, nhất là kiểu bán hàng lừa (quảng cáo quá lố về hàng hóa, bán giá trên trời…)?

Nghị định 175/CP có điều khoản xử phạt đối với bán hàng đa cấp không trung thực. Nhưng rất khó phân biệt giữa việc “vô tình” hay “cố ý” vi phạm. Chẳng hạn việc ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm mới được trở thành phân phối viên, công ty “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau (phân phối viên trước ép phân phối viên mạng lưới) chứ không phải chủ trương của công ty.

Sở Thương mại không có thẩm quyền chế tài đối với các công ty đa cấp vi phạm. Hiện sở đang kiến nghị Bộ Thương mại chuyển giao UBND TP xử lý.

Về phía sở, việc quan trọng nhất là phải tăng cường hậu kiểm. Lực lượng tham gia hậu kiểm là thanh tra Sở Thương mại, quản lý thị trường, kể cả Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng có thể tham gia vào công tác hậu kiểm. Khi phát hiện công ty hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, người tiêu dùng nên phản ánh với các cơ quan chức năng để kiểm tra.

Xin cám ơn ông!

Theo Thanh Nhân
Báo Người lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét