Người tiêu dùng trực tuyến dễ bị “gài bẫy”


Người tiêu dùng trực tuyến dễ bị “gài bẫy”

(Dân trí) - Non nửa bản thuyết trình về dự luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ trưởng Công thương gây choáng vì số vụ việc vi phạm được thống kê. Giải pháp “ứng phó” với bán hàng đa cấp, bán hàng tận cửa, bán hàng trực tuyến… cũng là trọng tâm được đề cập.

Choáng vì con số vi phạm
Khái quát thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, các vụ vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Ông Hoàng điểm lại các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng được phát hiện gần đây như xăng pha aceton, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, gian lận xăng dầu, kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Chưa có công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến (ảnh: Việt Hưng).
Báo cáo của Bộ trưởng Công thương dày đặc các con số “báo động”. Mỗi năm Việt Nam có gần 78.000 ca ung thư mới, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Từ năm 2004 đến năm 2008, cả nước có hơn 1.600 vụ ngộ độc thực phẩm với xấp xỉ 24.000 người bị mắc và 321 người tử vong
Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay, số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ KH-CN cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.
Trong năm 2008, riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý gần 20.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm; 4.000 vụ đầu cơ găm hàng. Theo cơ quan này, mức xử phạt không tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hành vi vi phạm, do đó có thực tế là nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để vi phạm.
 
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: “Vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ” (ảnh: Việt Hưng).
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định các công cụ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng quá hạn chế, không còn phù hợp vì không có chế tài đặc biệt, không đủ sức răn đe. Quá trình hội nhập kinh tế làm phát sinh nhiều phương thức bán hàng mới như bán hàng đa cấp, bán hàng tận cửa, bán hàng trực tuyến… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng.
Dự luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo được Bộ trưởng kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập hiện tại.
Hổng “cửa” bán hàng trên mạng, truyền hình
Dự thảo luật thiết kế quy định mới về điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu nhưng UB Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng thực tế áp dụng còn nhiều hạn chế, chưa điều chỉnh được các phát sinh thực tế khi xu hướng giao dịch thương mại, điện tử đang gia tăng.
Chủ nhiệm UB Đặng Vũ Minh còn tỏ ý lo lắng, các điều kiện giao dịch chung với những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu gây cản trở người tiêu dùng trong quá trình giao kết và thực hiện giao dịch, người tiêu dùng rất dễ bị “gài bẫy”.
 
Cơ quan thẩm tra yêu cầu dự thảo luật cần quy định rõ giao dịch loại hàng hóa, dịch vụ nào cần có hợp đồng theo mẫu; cơ quan nào có thẩm quyền kiểm soát các loại mẫu hợp đồng để tránh việc áp dụng hợp đồng theo mẫu đại trà dẫn đến thiếu tính khả thi trong mối cảnh trình độ giao dịch, kinh doanh còn yếu kém ở Việt Nam.
 

Đại biểu “phát sốt” vì tần suất quảng cáo trên truyền hình khi chất lượng hàng hóa chưa được kiếm chứng (ảnh: Việt Hưng).
“Dự luật dường như chỉ quy định đối với các giao dịch truyền thống mà chưa tính đến các phương thức kinh doanh mới đang phát triển như giao dịch trên mạng internet, mạng viễn thông, truyền hình...” - UB Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị để ngỏ khả năng điều chỉnh vấn đề này bằng các văn bản dưới luật.
Về các công cụ giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và kinh doanh, luật ghi nhận nhiều quy định mới như giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính, thủ tục xét xử rút gọn, trọng tài hay hòa giải…
UB Khoa học, công nghệ và môi trường bỏ phiếu thuận cho quy định về tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, UB cũng lưu ý cần bổ sung quy định hạn chế tổ chức này thực hiện các hoạt động như tham gia khuếch trương thương mại cho bất cứ tổ chức cá nhân nào, quảng cáo cho bất kỳ mục đích thương mại nào, khai thác thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng nhằm mục đích kinh doanh, lệ thuộc bởi việc nhận tài trợ…
Thêm một quy định thời sự nhắm tới hoạt động quảng cáo. UB Khoa học, công nghệ và môi trường nhấn mạnh trách nhiệm người quảng cáo hàng hóa dịch vụ trước việc tần suất quảng cáo quá nhiều trên hệ thống phát thanh, truyền hình…, nhắm đến những đối tượng không thể tự bảo vệ như trẻ em, người già… trong khi chất lượng hàng hóa, dịch vụ quảng cáo chưa đươc quản lý, kiếm chứng.
P.Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét