Cơ quan chức năng bối rối với gian hàng online đa cấp
Gây xôn xao dư luận từ cuối năm ngoái song đến nay, mô hình kinh doanh gian hàng đa cấp của MB24 vẫn hoạt động rầm rộ. Cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu song vẫn chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể..
Sau câu chuyện nhiều thành viên của MB24 cầu cứu cơ quan chức năng vì phải gánh nợ hàng chục triệu đồng do trót mua gian hàng online, VnExpress.net đã nhận được hàng loạt ý kiến, trong đó có nhiều chuyên gia xung quanh vấn đề này. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là tính pháp lý của hoạt động kinh doanh kiểu MB24, hình thức kinh doanh của MB24 là thương mại điện tử hay bán hàng đa cấp, cũng như khả năng thu hồi vốn của các thành viên.
Trong khi đó, theo Điều 3 - Luật Cạnh tranh 2005, bán hàng đa cấp được xác định là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng không phải tại địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia. Người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng và của người tham gia cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức.Theo Thông tư 46/2010 của Bộ Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử được định nghĩa là mô hình có nhiều người mua, nhiều người bán tham gia trên một không gian chung - là website thuộc sở hữu và quản lý của một thương nhân hoặc tổ chức. Quan trọng hơn, các sàn giao dịch này phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan chức năng xác nhận - điều mà MB24 chưa có. Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan này không thừa nhận MB24 là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Một buổi đào tạo dành cho các hội viên MB24. |
Nguồn tin từ một cơ quan an ninh cho biết, kinh doanh gian hàng online theo kiểu đa cấp đã được “để ý” từ năm ngoái. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng nhận đơn thư phản ánh từ nhiều tháng qua. 3 tháng gần đây, Đài truyền hình Việt Nam cũng đã phát 2 phóng sự cảnh báo người tiêu dùng tham gia vào mô hình hoạt động đó. Tuy nhiên, MB24 vẫn hoạt động, vẫn tổ chức các lớp đào tạo thành viên, các buổi lễ tôn vinh những thành viên có thành tích mở rộng mạng lưới với sự tham gia của hàng trăm người.
Luật sư kinh tế Bùi Quang Nghiêm cho rằng đây là mô hình kinh doanh của MB24 có nhiều biểu hiện đáng ngờ. Theo ông, kinh doanh đa cấp đã được thừa nhận ở Việt Nam nhưng hoạt động đúng nghĩa phải có hàng hóa, đăng ký thành lập công ty và được cấp phép mua bán loại hàng hóa đó.
"Hàng hóa đều phải đăng ký mới được phép bán. Dù cho thuê hay bán gian hàng đó cũng phải là những tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được Nhà nước công nhận. Làm sao anh có thể bán cái mà anh không có, không được cấp phép", ông Nghiêm nói.Trong trường hợp của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24), doanh nghiệp này đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông để thành lập website. Nhưng loại hàng hóa trên đó chưa qua Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cấp đăng ký nên không được phép mua bán.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết thêm, việc một website lập ra, được phép giao dịch mua bán chỉ là phương tiện để trao đổi hàng hóa. Còn sản phẩm trên đó, dù vô hình hay hữu hình, muốn bán phải được sự cấp đăng ký của cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Phạm Thanh Bình - đại diện công ty Luật Bảo Ngọc, cũng cho rằng hoạt động kinh doanh của MB24 có biểu hiện không phù hợp với quy định hiện hành. Điều 9 Luật Doanh nghiệp quy định đơn vị kinh doanh phải hoạt động đúng với lĩnh vực đăng ký, chịu trách nhiệm hàng hóa bán ra. Ông Bình cho rằng mô hình kinh doanh này là đa cấp biến tướng. Bởi thương mại đa cấp thông thường là phân phối sản phẩm, còn hoạt động này chủ yếu bán gian hàng điện tử.
Vị luật sư cho biết thêm, theo Thông tư 46 được Bộ Công Thương ban hành, doanh nghiệp, cá nhân mua bán sàn giao dịch thương mại điện tử phải hợp đồng, chứng từ. MB24 chưa được cấp đăng ký là sàn giao dịch thương mại điện tử. Và mô hình kinh doanh của công ty này chưa được quy định trong luật pháp, vì thế khó có cơ sở pháp lý để những người tham gia vào đó đòi lại được tiền khi tranh chấp xảy ra.Với mô hình đa cấp, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng đây là phương thức kinh doanh tiến bộ, đã thành công tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, do một số cá nhân, tổ chức làm sai nên cách kinh doanh này bị méo mó, sai lệch. "Người định tham gia nên tìm hiểu kỹ đối tác, nhất định phải yêu cầu hợp đồng, đọc kỹ các điều khoản, chứng từ. Bài học cảnh giác là lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao", ông nói.
Theo nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, hiện có trên 20 website hoạt động theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào kinh doanh phương thức đa cấp đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan này đang hoàn thiện Nghị định Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh trong thời gian tới. Trong khi đó, đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khẳng định vớiVnExpress.net đang "để mắt" tới hình thức kinh doanh trái phép trên mạng và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.
Theo Điều 48 - Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện các hành vi:
(i) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới.
(ii) Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.
(iii) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
(iv) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
|
Nhật Minh - Xuân Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét