Cú sốc trong kinh doanh hàng đa cấp
Hàng ngàn người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Agel (Mỹ) đã chịu thiệt hại nặng nề khi đột nhiên Agel Việt Nam (VN) tuyên bố đóng cửa. Lần đầu tiên, thị trường kinh doanh hàng đa cấp trong nước ghi nhận một vụ việc như vậy.
Bỗng dưng mất tiền
Trụ sở Công ty TNHH Agel VN tại 73 Tràng Thi đóng cửa
Đứng đầu một hệ thống có tới 20.000 người trong mạng lưới Agel VN, bà Chu Thị Mỹ Hương khẳng định các thành viên tuyến dưới của bà bị mất khoảng 3 tỉ đồng, tương đương 2.000 hộp sản phẩm và trên 300 triệu đồng tiền hoa hồng tháng 2. Khi vụ đóng cửa công ty bất ngờ xảy ra, bà Hương đã gửi thư khiếu nại tới khắp các cơ quan chức năng ở VN và cả Công ty Agel ở Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ trả lời họ không có trách nhiệm, mà là của Agel VN.
Cũng theo bà Hương, thiệt hại còn nặng nề hơn vì các thành viên trong hệ thống mượn hàng qua lại, cho nên khi công ty đóng cửa, hàng không nhập nên nợ nần chồng chéo. Nhiều người là sinh viên đã nhắm mắt tham gia vào hệ thống bằng cách đóng vào 15 triệu đồng, nhưng chưa kịp nhận hộp hàng nào để bán thì công ty đóng cửa, trở thành người trắng tay.
Ông Hà Mạnh Cường, người đứng đầu một nhánh, cho biết sẽ tập hợp đơn khiếu nại của những người cùng nhánh, sau đó mời luật sư tư vấn để khởi kiện Agel VN nếu công ty vẫn không có cách giải quyết quyền lợi của mọi người một cách hợp lý. “Thiệt hại trong toàn bộ hệ thống của tôi vào khoảng 2,4 tỉ đồng với gần 200 người liên quan. Thế nhưng cho đến nay công ty vẫn không tích cực tìm phương án giải quyết vụ việc”, ông Cường bức xúc.
Agel VN được thành lập vào năm 2008, thời điểm lớn mạnh nhất vào 2009 - 2010 khi thành viên lên tới 50.000 người. Sau đó thu hẹp nhưng con số cũng đến 30.000 thành viên. Mô hình của bán hàng đa cấp (BHĐC) là kêu gọi càng nhiều người tham gia càng tốt, để được nhận tiền hoa hồng tuyển dụng và hoa hồng hệ thống (bán hàng), đồng thời được thăng chức kèm theo quyền lợi vật chất. Vì thế, khi công ty đổ vỡ, một hệ thống dây chuyền những người tham gia cùng “sập”. Thiệt hại từ đó sẽ càng lớn hơn. Theo ông N. (đề nghị giấu tên) - người từng giữ vị trí điều hành cấp cao của Agel VN, đã nghỉ việc từ đầu tháng 3.2011 - ước tính các thành viên Agel trong cả nước mất tiền tổng cộng 5 - 6 tỉ đồng. Đặc biệt, trong hệ thống có rất đông thành viên sống ở vùng sâu vùng xa nên với những người này số tiền vài triệu đồng đã là cả gia tài.
Bỏ của chạy lấy người?
Theo ông N., đây thực chất là tranh chấp thương mại, khi người thiệt hại đòi hỏi quyền lợi chính đáng bởi bên bán hàng (Agel VN) đã nhận tiền nhưng người mua hàng (thành viên) không nhận được hàng. Đồng thời công sức làm việc của thành viên, cụ thể là tiền hoa hồng, không được công ty chi trả.
Vậy trách nhiệm để giải quyết tất cả những tồn đọng khi Agel VN đóng cửa thuộc về ai? Bà Hương quả quyết người đại diện pháp luật là bà Hoàng Hải Yến - Giám đốc Công ty Agel VN - phải xử lý. Nguyên nhân đóng cửa công ty - theo phần lớn thành viên - chủ yếu xuất phát từ bà Yến. Bà Yến được Agel mời đứng tên giấy phép kinh doanh khi thành lập Công ty TNHH Agel VN, với 10% cổ phần, còn 90% thuộc về Agel Mỹ. Bà Yến đồng thời là nhà phân phối. Do đó, các xung đột quyền lợi đã xảy ra khi có ý kiến cho rằng, bà Yến lợi dụng tín nhiệm găm giữ hàng hóa, trục lợi bằng cách bán ra ngoài với giá rẻ hơn, làm xáo trộn thị trường.
Do những thủ tục pháp lý khi xin giấy phép đầu tư kinh doanh hàng đa cấp ở VN khá khó khăn, nên đối tác nước ngoài thường vào trước bằng cách kết hợp với người VN (thành lập công ty TNHH gồm 2 thành viên). Agel VN ra đời với cách như vậy. Bà Yến thực chất là người đứng tên công ty. Đây cũng là hình thức mà nhiều công ty BHĐC đang áp dụng ở VN, khi chưa có giấy phép đầu tư 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Agel đã xin được giấy phép đầu tư ở VN 100% vốn nước ngoài, nhưng việc xúc tiến mở công ty chậm do còn phải xin nhiều giấy phép con khác. Một khi Agel chính thức có mặt ở thị trường VN, vai trò của bà Yến sẽ không còn nữa nên nhiều khả năng bà Yến muốn Agel VN ngừng hoạt động và nhảy sang làm cho một công ty BHĐC khác, kèm theo việc lôi kéo mạng lưới.
Từ đó, các thành viên trong hệ thống Agel VN cho rằng bà Yến phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả.
Trong ngày hôm qua, PV đã liên lạc với 5 thủ lĩnh khác của Agel nhưng đều trong tình trạng “điện thoại không phủ sóng” hoặc không nghe máy. Một thành viên khác cũng cho biết, sau khi công ty ngừng hoạt động, giá các sản phẩm Agel đã tăng vọt lên so với trước do không có nguồn hàng cung cấp nên phải nhập từ Thái Lan.
Cơ quan quản lý chưa nhận được báo cáo
Ông Trần Anh Sơn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương cho biết, quản lý hoạt động với các công ty BHĐC đã được ủy quyền cho các sở Công thương. Cục QLCT chỉ quản lý các hoạt động BHĐC bất chính, nên chỉ biết thông tin Agel VN ngừng hoạt động qua các phương tiện truyền thông. Theo ông Sơn, trong trường hợp công ty ngừng hoạt động, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người tham gia phải căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa hai bên. Theo Nghị định 110 về BHĐC, tại điều 12 quy định, DN BHĐC có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng hoặc người tham gia trong trường hợp họ không được thông tin đầy đủ về hàng hóa. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia khác, người tham gia BHĐC có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Tại điều 19 cũng quy định, công ty BHĐC khi ngừng hoặc chấm dứt hoạt động phải thông báo với các sở chức năng tại địa bàn, đồng thời phải thông báo công khai ở trụ sở chính và cho những người tham gia biết trong thời hạn 30 ngày làm việc. Ngoài ra, phải thanh lý hợp đồng tham gia BHĐC với người tham gia trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động.
Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở chỉ nhận được 1 hồ sơ của đơn vị thuê vận chuyển bị Agel nợ tiền, ngoài ra chưa nhận được thông tin nào về việc ngừng hoạt động của Công ty Agel hay văn bản tố cáo của người bị thiệt hại. Theo ông Long, quyền lợi người tham gia phải gắn liền với hợp đồng giữa người tham gia và Công ty Agel, nếu hợp đồng bị vi phạm gây thiệt hại cho người tham gia, người tham gia có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo để truy cứu trách nhiệm.
Sự sụp đổ của Agel VN là lời cảnh báo cho hàng chục công ty BHĐC đang hoạt động ở VN.
Theo N.T.Tâm - T.Sơn - M.HàThanh Niên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét